Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch tại chợ dân sinh

Đời sống - Ngày đăng : 20:05, 07/07/2021

(HNMO) - Mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến rất phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai đồng bộ nên Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Cuộc sống của người dân nói chung, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố nói riêng vì thế vẫn diễn ra bình thường. Người bán, người mua cùng nâng cao ý thức thực hiện 5K, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ thành quả của công tác phòng chống dịch để ổn định hoạt động kinh doanh.

Người dân còn lơ là phòng dịch khi tới mua sắm tại chợ.

Người bán, người mua cùng nâng cao ý thức

Đã thành thói quen, mỗi sáng tới chợ, chị Đỗ Thị Hội (ngành hàng may mặc, chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm) lại ghé vào đo thân nhiệt, sát trùng tay trước khi lên quầy hàng. Cùng với các chị em trong chợ, chị Hội cẩn trọng đeo khẩu trang suốt buổi chợ, tránh tối đa việc tụ tập, đồng thời, bảo đảm khoảng cách với người xung quanh và khách hàng. Chị chia sẻ : " Là người kinh doanh, buôn bán tại chợ, chúng tôi hiểu rất rõ mình đang được hưởng thành quả của công tác phòng chống dịch của thành phố. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt thì chợ phải đóng cửa và chúng tôi phải dừng kinh doanh"

Đeo khẩu trang, vệ sinh tay, khu bán hàng, đồng thời giữ khoảng cách cũng là việc làm mỗi ngày của chị Nguyễn Thị Thêm (tiểu thương chợ Hôm - Đức Viên, quận Hai Bà Trưng). Chị chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng đã quen và chấp hành nghiêm việc phòng dịch. Đặc biệt, với biến chủng mới nguy hiểm, mỗi người càng phải nâng cao cảnh giác để không lây nhiễm bệnh, việc bán hàng không bị gián đoạn”.

Ghi nhận tại cổng các chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Ngọc Hà (quận Ba Đình), Gia Lâm (quận Long Biên)…, bên cạnh thông điệp "5K" của Bộ Y tế được dán ở vị trí dễ nhìn, đội ngũ bảo vệ các chợ thường xuyên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cho người ra vào chợ.

Bà Hà Thị Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, cho biết: “Công ty thành lập 3 tổ an toàn Covid-19 của 3 khối chợ ngày, chợ đêm và khối kinh doanh nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch. Bà con tiểu thương phấn khởi vì thành phố đã có những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả để vừa ngăn chặn được sự lây lan của dịch nhưng vẫn tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường”.  

Còn đại diện Ban quản lý chợ Phù Lỗ, chợ Nỷ (huyện Sóc Sơn) cho hay, không chỉ thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bà con thực hiện các biện pháp phòng dịch, ban quản lý chợ còn tuyên truyền tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.  

Không chỉ người kinh doanh có ý thức thực hiện tốt 5K mà cả người đi chợ cũng đã đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi vào chợ. Chị Minh Thu (ở phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng), nhận xét: “Qua nhiều lần dịch, người dân đã nâng cao ý thức phòng chống dịch. Tình trạng chỉ đeo khẩu trang qua cổng chợ đối phó với lực lượng bảo vệ đã giảm hẳn so với các đợt dịch trước. Chứng kiến sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch, được tuyên truyền đầy đủ về nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đi chợ nên người dân chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm công dân của mình trong việc thực hiện các chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, do chợ đông, không gian chật hẹp nên cũng có nơi, có chỗ khó giữ khoảng cách”.

Việc giữ khoảng cách tại các chợ vẫn còn rất nan giải khi không gian chợ chật hẹp.

Xây dựng môi trường kinh doanh an toàn

Chợ dân sinh là nơi có nguy cơ lây lan dịch bênh rất cao. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, các ca bệnh liên quan đến chợ tạo thành những ổ dịch phức tạp cả về số lượng ca bệnh phát sinh lẫn việc truy vết, khoanh vùng. Bởi vậy, công tác phòng chống dịch bệnh tại chợ dân sinh luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao và được các quận huyện chủ động triển khai các biện pháp cụ thể. 

Là địa bàn có 13 chợ gồm 1 chợ đầu mối và 12 chợ dân sinh, quận Hoàng Mai đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Lê Thị Thu Hương cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, cũng với việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch thì phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, quận đã thành lập đoàn kiểm tra, triển khai nhiều đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. 

Đáng chú ý là lực lượng chức năng đã xử phạt 6 trường hợp không đeo khẩu trang tại chợ đầu mối phía Nam với số tiền là 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, quận đã yêu cầu UBND 14 phường thực hiện nghiêm xóa bỏ các tụ điểm họp chợ lấn chiếm vỉa hè lòng đường.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó phòng Kinh tế quận Long Biên cho hay, UBND quận yêu cầu Ban quản lý các chợ thành lập Tổ an toàn Covid-19 để đôn đốc việc thực hiện phòng dịch; rà soát nắm rõ danh sách, nơi ở của các hộ đang kinh doanh, trong trường hợp các hộ đến từ các vùng dịch phải kịp thời có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Đáng chú ý, UBND quận yêu cầu Ban quản lý các chợ tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, từ đó có giải pháp khắc phục, đồng thời, cập nhật trạng thái của các chợ lên bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 theo hướng dẫn của Sở Công Thương Hà Nội. Nhiều điểm họp chợ tạm tại các ngõ, ngách trên địa bàn đã được xóa bỏ.

Công tác phòng dịch cũng được triển khai hiệu quả tại 17 chợ truyền thống trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo Ban quản lý các chợ tập trung công tác tuyên truyền các giải pháp phòng dịch để nâng cao ý thức phòng dịch của người dân, coi đó là yếu tố cốt lõi. Ngoài ra, mỗi chợ đều xây dựng phương án phòng dịch để thực hiện linh hoạt tùy diễn biến dịch bệnh”.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với phòng kinh tế các quận, huyện tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại hệ thống chợ truyền thống để xử lý kịp thời các vi phạm.

Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp phân phối bảo đảm lượng hàng hóa dồi dào phục vụ nhân dân trên địa bàn trong mọi tình huống, bảo đảm việc lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, từ thực tế công tác phòng dịch tại các chợ cho thấy, vẫn còn nhiều người dân và tiểu thương chưa triệt để thực hiện biện pháp phòng dịch, nhiều người đeo khẩu trang “cho có”. Vấn đề bảo đảm khoảng cách phòng dịch tại các chợ vẫn nan giải dù một số chợ đã kẻ vạch ngăn cách người bán và người mua.

Thực tế này đặt ra yêu cầu các lực lượng chức năng phải triển khai những giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm siết chặt các biện pháp phòng dịch, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chợ dân sinh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Lam Giang