Mở rộng hệ thống cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại Hà Nội: Gỡ ''rào cản'' để phát triển
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:16, 07/07/2021
Không chỉ là kinh phí đầu tư
Mở rộng các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn là mong muốn của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế đang gặp một số khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thương - chủ một cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) phân tích: "Chi phí đầu tư cửa hàng tương đối lớn, thêm nữa, nông sản, thực phẩm được nhập khẩu hoặc thu mua từ trang trại sản xuất an toàn có giá cao nên phải bán giá cao hơn so với giá các mặt hàng cùng loại tại chợ truyền thống. Hiện tại, cửa hàng của tôi chỉ bán được cho một lượng khách quen nhất định nên duy trì hoạt động đã là cả vấn đề, không thể mở rộng thêm".
Còn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết: "Hợp tác xã đã mở một cửa hàng tại phố Xốm (phường Phú Lãm, quận Hà Đông), nhưng sau 6 tháng hoạt động đã phải đóng cửa do người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng sản phẩm thịt lợn an toàn đã cấp đông".
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát thông tin: Năm 2017, Hà Nội có 572 cửa hàng trái cây an toàn và chưa xây dựng được chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn nào. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 809 cửa hàng kinh doanh trái cây, 128 chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn… Nhìn chung, các mặt hàng đều được bao gói, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ... Tuy nhiên, vẫn có nơi bán các mặt hàng đã qua chế biến như thịt hun khói, cá kho, thịt kho… nhưng chưa chú trọng khâu bảo quản, dẫn tới có lúc kém chất lượng, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị như tủ trữ đông, bảo quản mát, cân chuyên dùng, hệ thống máy tính, phần mềm theo dõi quản lý của các cửa hàng là rất lớn, chưa kể tiền thuê gian hàng. Vì vậy, giá bán luôn cao hơn 10-20% so với các loại thực phẩm ở chợ truyền thống nên người tiêu dùng có thu nhập thấp chưa thể tiếp cận với sản phẩm của các cửa hàng loại này.
Thúc đẩy đồng bộ nhiều giải pháp
Trong giai đoạn 2021-2025 ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển xây dựng thêm 50 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với hy vọng sẽ có thêm ít nhất 50 chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cần phải tháo gỡ các “rào cản”.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho rằng: “Trước hết, doanh nghiệp, hợp tác xã cần khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thị trường ở từng địa phương để có cách thức cung ứng phù hợp, tạo niềm tin cho khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời tăng cường liên kết nhằm giảm giá thành sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo cơ chế cho hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã về thủ tục hành chính cũng như tiêu thụ sản phẩm”.
Liên quan vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đang xây dựng các điểm quảng bá, kinh doanh sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các quận, huyện, thị xã. Qua đó giúp hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm an toàn và tạo thuận lợi cho người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, các chủ cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn cần nỗ lực quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội; tổ chức kinh doanh trực tiếp, hoặc giao hàng tận nhà. Chủ cửa hàng cần trang bị thêm các thiết bị kiểm tra tại chỗ về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhất là với mặt hàng sơ chế, chế biến tại chỗ. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng phải có tem nhãn và nghiên cứu thị trường ở khu vực mở cửa hàng để tránh đầu tư một thời gian lại phải đóng cửa. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hỗ trợ các vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp...
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Lan (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiên trì tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người tiêu dùng thay đổi thói quen, hướng tới sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn.
Còn ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh thông tin: Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, cá nhân về thủ tục để mở cửa hàng; đẩy mạnh công tác quảng bá; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm tại cửa hàng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cơ quan chức năng, sự triển khai bài bản của các cơ sở kinh doanh, tin tưởng rằng, hệ thống cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại Hà Nội tiếp tục được mở rộng hiệu quả, bền vững.