Du lịch tình nguyện - đưa giới trẻ đến với cộng đồng

Du lịch - Ngày đăng : 08:01, 08/07/2021

(HNMCT) - Mô hình du lịch kết hợp với hoạt động thiện nguyện đã phát triển tại Việt Nam nhiều năm nhưng đa phần dành cho du khách lớn tuổi hoặc các cơ quan, tổ chức. Với mục đích giúp các bạn trẻ đi du lịch, qua đó phát triển bản thân, tăng năng lực hỗ trợ cộng đồng và tìm hiểu văn hóa bản địa tại các địa phương, tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (Volunteer for Education Organization - VEO) đã kết nối giới trẻ với cộng đồng thông qua mô hình du lịch tình nguyện mang lại hiệu quả bền vững.

Các thành viên của VEO và du khách dạy học cho trẻ em (ảnh tư liệu).

Trưởng thành từ những chuyến đi

Trở về sau chuyến đi tới bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) với VEO đã lâu nhưng Phạm Thanh Nhàn, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính vẫn nhớ như in những kỷ niệm. Chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm không chỉ giúp Nhàn có cơ hội được tham quan bản Lác, leo núi tham quan hang Chiều mà còn được trải nghiệm hoạt động nhuộm chàm, vẽ sáp ong cùng người dân bản địa. Nhưng ý nghĩa hơn, Nhàn cùng các thành viên trong đoàn đã tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như dạy tiếng Anh cho trẻ em; hỗ trợ các gia đình trang trí, phát triển mô hình du lịch homestay và quảng bá thông qua các bài đăng trên mạng xã hội... “Cảm ơn VEO đã cho tôi những trải nghiệm và cảm xúc không thể có trong những chuyến đi khác. Buổi dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở bản Lác và những nụ cười của chúng khiến tôi không thể quên...”, Phạm Thanh Nhàn xúc động cho biết.

“Đây là chuyến đi của “những lần đầu tiên” của em. Lần đầu tiên em đi cùng nhiều người lạ, lần đầu tiên lội rừng hơn 5km, lần đầu tiên thấy sự khác biệt ngôn ngữ ngay tại nước mình... Chuyến đi này mang lại cho em rất nhiều năng lượng tích cực cùng những trải nghiệm thú vị”, bạn Nguyễn Ngọc Hân (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ sau chuyến đi đến Lâm Đồng cùng VEO.

Được thành lập từ năm 2013, tổ chức Tình nguyện vì giáo dục - VEO hướng tới mục tiêu giúp các bạn trẻ phát triển bản thân, tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ kết nối, giao lưu với mạng lưới tình nguyện viên trên thế giới. “Đối tượng khách của VEO chủ yếu là các bạn trẻ từ 15 - 30 tuổi. Mô hình của chúng tôi hơi khác biệt khi phải trả tiền để đi tình nguyện. Điều đó khiến việc thu hút khách không đơn giản, nhưng nhiều du khách đã trở thành “khách quen” của VEO. Chúng tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ thay đổi bản thân, dám nghĩ khác và ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, đồng thời tăng cường hiểu biết về đất nước mình để khi ra nước ngoài học tập, mỗi bạn sẽ trở thành “đại sứ du lịch” cho Việt Nam”, Giám đốc điều hành VEO Nguyễn Huyền Phương chia sẻ.

Du khách tham quan, khám phá bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cùng các thành viên của VEO (ảnh tư liệu).

Vì sự bền vững của cộng đồng

Sau 8 năm hoạt động, đến nay, VEO đã xây dựng và triển khai 15 dự án du lịch tình nguyện tại nhiều địa phương như bản Cỏi (Phú Thọ), bản Lác (Hòa Bình), Di Linh (Lâm Đồng), Đất Mũi (Cà Mau), bản Lô Lô Chải (Hà Giang)... Tại mỗi địa phương, VEO và du khách tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như xây dựng tủ sách thiếu nhi; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững cho người dân bản địa; tuyên truyền về bảo vệ và làm sạch môi trường...

Nói về sự hỗ trợ của VEO từ nhiều năm trước, chị Vì Thị Thuận, chủ Hoa Ban homestay (bản Lác 2, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình) cho biết: “Khi mới bắt đầu làm homestay, chúng tôi khá bỡ ngỡ bởi lúc đó tại bản Lác 2 chỉ có gia đình tôi làm du lịch homestay. Sau đó, các thành viên của VEO đã hỗ trợ, đưa khách đến, dạy chúng tôi kỹ năng đón tiếp khách, cách quảng bá, tiếp thị để tự tìm nguồn khách. Ngoài ra, VEO cũng đồng hành cùng hơn 40 thành viên là người khuyết tật của cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa, tạo điều kiện giúp họ có thu nhập ổn định nhờ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch... Bởi vậy, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu như năm 2013 chỉ có duy nhất 1 hộ làm homestay thì nay đã tăng lên 125 hộ”.

Còn tại bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), mô hình du lịch cộng đồng đã kéo người dân, đặc biệt là thanh niên ở lại quê hương làm du lịch thay vì đi lao động ở bên kia biên giới. Làng Cáng, chàng trai người Lô Lô, 22 tuổi, sau nhiều năm bôn ba xứ người đã quyết định trở về quê hương, biến ngôi nhà của mình thành homestay. Cùng với sự giúp đỡ của VEO, đến nay Homie homestay của Làng Cáng đã trở thành một trong những điểm “phải đến” của các bạn trẻ trong nước và nhiều du khách nước ngoài.

Chọn lối đi khác biệt, dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng những năng lượng tích cực mà VEO mang lại cho các bạn trẻ trong những chuyến du lịch tình nguyện đã góp phần giúp các cộng đồng phát triển du lịch một cách bền vững.

Linh Tâm