Các siêu thị, chợ Hà Nội bảo đảm phòng, chống dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 13:29, 08/07/2021

(HNMO) - Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 8-7 tại các siêu thị, chợ, hàng ăn…, công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc. Hầu hết người dân đều lo ngại về tình hình dịch bệnh nên chủ động bảo vệ bản thân khi phải đến những nơi đông người.

Nhân viên siêu thị Vinmart Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy) đo nhiệt độ và yêu cầu khách hàng sát khuẩn tay trước khi vào mua sắm.

Bảo đảm an toàn cho người dân mua sắm

Ghi nhận của phóng viên tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như Vincom Trần Duy Hưng, Vinmart Hoàng Đạo Thúy, Big C (quận Cầu Giấy), Aeon Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Thành Công (quận Ba Đình)…, các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai, trong đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh các bảng khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “5K” đặt tại vị trí dễ nhìn, dễ thấy ở các lối ra vào, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ còn thường xuyên phát loa yêu cầu người dân tới mua sắm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Bên cạnh việc chủ động nguồn hàng phục vụ người dân, các siêu thị cũng đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân đến mua sắm. Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào mua sắm. Các siêu thị cũng tăng cường tổng vệ sinh, toàn bộ nhân viên bán hàng đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trong quá trình mua bán, tiếp xúc với khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc) cho biết, đơn vị bảo đảm đo thân nhiệt cho 100% khách hàng đến mua sắm, 100% nhân viên đeo khẩu trang; phân luồng lối đi cho khách hàng, kẻ vạch giãn cách ở các khu vực khách xếp hàng như quầy thu ngân, bàn cân… Đồng thời, nhân viên siêu thị thường xuyên đọc loa nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện đúng việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi mua sắm. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, trong quá trình kiểm tra, đo thân nhiệt khách hàng, nếu phát hiện trường hợp nào có nhiệt độ cao theo khuyến cáo của ngành Y tế, đơn vị sẽ báo cáo với lực lượng chức năng để có bước xử lý tiếp theo.

Còn theo bà Đỗ Ngọc Khánh Chi - Giám đốc siêu thị Công ty TNHH AEON Việt Nam - chi nhánh Hà Đông, AEON Việt Nam đã xây dựng quy trình ứng phó với trường hợp có nhân viên, khách hàng, đối tác bị nhiễm Covid-19 theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Với kênh bán hàng trực tuyến, AEON Việt Nam cũng quy định rõ trong hợp đồng ký với đơn vị giao hàng chuyên nghiệp về bảo đảm thực hiện nghiêm việc phòng dịch.

Ghi nhận tại các chợ Thành Công, Ngọc Hà (quận Ba Đình), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)… cũng tuân thủ nghiêm quy định đeo khẩu trang, khử khuẩn để phòng dịch; liên tục có sự kiểm tra, tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch của các tổ giám sát phòng, chống Covid-19 phường.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch

Trao đổi với phóng viên, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân.

Theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, cụm công nghiệp, nhà máy… tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết; khử khuẩn tại cơ sở kinh doanh, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, sát khuẩn hàng hóa trước khi cho nhân viên đi giao hàng để tránh lây nhiễm trong cộng đồng; giãn cách tối thiểu 1m hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà... 

Đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại cơ sở và người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời…

UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động rà soát, kích hoạt phương án bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân theo các cấp độ của dịch bệnh, sẵn sàng các nguồn lực đáp ứng bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân các khu vực cách ly (nếu có).

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ hàng hóa, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch, đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca đến dưới 1.000 ca mắc bệnh): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 đến 3.000 ca mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ hơn 3.000 đến 30.000 ca mắc): 5.359,05 tỷ đồng.

Thanh Hiền