Từ chối gia hạn kiềm chế sản lượng dầu thô: Thị trường “vàng đen” lại nóng
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 09/07/2021
UAE là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba trong liên minh OPEC+ và là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới. Năm ngoái, OPEC+ đã nhất trí về việc giảm sản lượng kỷ lục trong suốt giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 4-2021 nhằm đối phó với sự sụt giảm nghiêm trọng về giá do dịch Covid-19 gây ra. Khi nhu cầu bắt đầu gia tăng trở lại, liên minh 23 nước thành viên này đã nhất trí tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay.
Hiện, Saudi Arabia và Nga đề xuất phần sản lượng khai thác dầu thô được nâng thêm từ nay đến cuối năm 2021 sẽ chỉ ở mức 2 triệu thùng/ngày, phần sản lượng khai thác còn lại sẽ được nâng dần cho đến tháng 12-2022, thay vì đến tháng 4-2022. Tuy nhiên, UAE cho rằng việc dời mốc thời gian nâng sản lượng trở về như cũ đến tháng 12-2022 là điều khó có thể chấp nhận. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia như UAE sẽ phải tiếp tục cắt giảm 30% công suất khai thác trong thời gian dài hơn dự kiến. Trong khi đó, nước này đã phải đầu tư hàng tỷ USD để phát triển hoạt động khai thác dầu và hiện cũng cần lượng tài chính lớn để phát triển kinh tế.
Trên thực tế, kế hoạch cắt giảm sản lượng của UAE được thực hiện vào năm 2018 khi công suất tối đa đạt 3,2 triệu thùng/ngày. Sau đó, các dự án mở rộng khai thác khiến sản lượng dầu tăng và nước này muốn thiết lập lại mức cơ bản lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã phản đối yêu cầu nói trên và từ chối nhượng bộ với Abu Dhabi. Ông nhấn mạnh, việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 là cần thiết để bình ổn thị trường dầu.
Việc UAE phản đối kế hoạch khai thác đã khiến phiên họp của liên minh không thể diễn ra như dự kiến. Đây được xem là thử thách lớn đối với OPEC+. Các nhà phân tích nhận định đây sẽ là “bài kiểm tra” xem Saudi Arabia muốn duy trì tính đoàn kết của liên minh này đến mức nào trong việc kiểm soát giá dầu thô. Thậm chí, một số cảnh báo đã được gióng lên về khả năng liên minh OPEC+ có thể tan vỡ nếu như UAE vẫn kiên quyết phản đối chính sách khai thác mới.
Trước đó, hồi tháng 3-2020, Nga đã rời khỏi liên minh OPEC+ sau những bất đồng về chính sách khai thác sản lượng và kích hoạt cuộc chiến giá dầu nhằm cạnh tranh thị phần với Saudi Arabia. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã buộc Nga phải quay trở lại liên minh nhằm chung tay ngăn chặn giá dầu thô suy giảm.
Ngay sau phản ứng của UAE, ngày 6-7, giá dầu tiếp tục tăng. Dầu thô kỳ hạn của Mỹ tăng mạnh 1,96% lên 76,63 USD/ thùng. Giá dầu thô Brent cũng tăng 0,38% lên 77,45 USD. Như vậy, giá “vàng đen” đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Ngân hàng Bank of America (Mỹ) nhận định giá dầu thô có thể đạt 100 USD/thùng trong năm 2022 nếu nguồn cung dầu thô tiếp tục ở mức thấp.
Sức ép từ việc giá dầu tăng cao đang đè nặng lên sự phục hồi kinh tế toàn cầu, bởi giá năng lượng càng cao thì áp lực lạm phát càng lớn. Ngoài ra, việc nội bộ OPEC+ mất đoàn kết cũng làm suy giảm khả năng của liên minh này trong việc kiểm soát thị trường dầu. Các nhà phân tích e ngại nếu UAE rút khỏi OPEC+, cuộc chiến giá dầu có thể xảy ra, đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.