Thị trường thành phố Hồ Chí Minh: Hàng hóa dồi dào, lượng người mua giảm

Kinh tế - Ngày đăng : 16:24, 09/07/2021

(HNMO) - Thông tin từ Bộ Công Thương hôm nay (9-7) cho biết, từ 11h, tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh cải thiện so với ngày hôm qua và những ngày trước, nhưng vẫn còn thiếu hàng hóa cục bộ một số nơi, tại một vài thời điểm. Sáng 9-7, hàng hóa được cung ứng tăng nhiều so với những ngày trước, lượng người tới mua sắm giảm so với chiều 7-7 và ngày 8-7.

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa được cung ứng dồi dào tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận trước đó, tại các siêu thị AEON, lượng thực phẩm tươi sống cung ứng tương đối đầy đủ, lượng người mua đông, tuy nhiên do tuân thủ nguyên tắc "5K", hạn chế lượng người vào siêu thị cùng lúc nên còn đông người phải chờ để vào mua hàng. Các hệ thống siêu thị khác như: Lotte, MM Mega Market, hàng thực phẩm tươi sống cung ứng còn hạn chế; mặt hàng rau, củ, quả, trứng, thịt, cá nhiều thời điểm tạm hết hàng.

Tại một số ít chợ truyền thống còn hoạt động, việc cung ứng hàng hóa cũng hạn chế do số quầy thực phẩm hoạt động ít hơn nhiều so với trước đây nhằm tuân thủ nguyên tắc "5K". Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như: Gạo, mì ăn liền, bún, miến, nước mắm, nước tương, dầu ăn… nhu cầu tăng so với trước đây nhưng vẫn đủ nguồn hàng.

Tại tỉnh Đồng Nai, trong tối 8-7, nhiều người dân đến các điểm kinh doanh mua hàng hóa thiết yếu nên một số cơ sở kinh doanh thiếu hụt cục bộ nguồn cung và giá một số mặt hàng tăng so với ngày thường. Đến trưa 9-7, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ, duy trì đầy đủ hàng thực phẩm tươi sống.

Tại chợ truyền thống, rau, củ, quả, trứng, thịt cung ứng đầy đủ, giá bình quân tăng 10 đến 20% so với ngày thường. Các mặt hàng như: Gạo, đường, muối, bột ngọt, sữa dành cho trẻ em…, nhu cầu có tăng so với ngày thường nhưng nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi.

Tại tỉnh Bình Dương, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống có tăng từ 50% đến 100% tùy từng mặt hàng so với ngày thường. Nguyên nhân do một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần nên người dân có tâm lý mua nhiều thực phẩm tích trữ, dẫn đến giá cả tăng.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc vận chuyển, cung ứng rau, củ, quả từ Lâm Đồng; gia súc, gia cầm từ Đồng Nai, Tiền Giang về thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh rất khó khăn. Người vận chuyển phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 mới được vào thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, trong khi việc xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm mất nhiều chi phí và thời gian.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, do 3 chợ đầu mối ngừng hoạt động, các thương nhân khó khăn trong tìm địa điểm để giao dịch, giao nhận hàng hóa, chuỗi cung ứng nông sản cho thành phố bị xáo trộn. Mặt khác, sau khi các chợ tự phát và nhiều chợ truyền thống bị dừng hoạt động, người dân tập trung mua hàng thực phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích quá đông nên vào một số thời điểm, những nơi này không đáp ứng được nhu cầu.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trong hôm nay:

Hàng hóa các loại bày tràn ngập trong siêu thị.

Bắp cải Đà Lạt bán với giá 20.000 đồng/kg.

Cải thảo Đà Lạt bán với giá 12.000 đồng/kg, rẻ hơn ngày thường.

Rau xanh nhiều chủng loại được bày bán, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Thịt lợn được bày bán nhiều, giá không tăng so với trước.

Cá biển cũng là loại mặt hàng được nhiều người chọn mua.

Trứng là mặt hàng bán chạy nhất, hàng nhập liên tục, siêu thị khuyến cáo người dân mua đủ dùng, không cần tích trữ.

Rất nhiều chủng loại gạo cho người dân lựa chọn.

Không chỉ nhiều thực phẩm, rau xanh, các loại trái cây cũng rất phong phú, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Lam Giang - Tuệ An