Hiệu quả từ cây trồng, vật nuôi đặc sản
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:23, 09/07/2021
Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao
Sim vốn là cây mọc hoang ở vùng đồi gò, ít giá trị về kinh tế nhưng với anh Kiều Văn Lợi ở thôn Bơn, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) lại là loại cây trồng mang lại nhiều lợi nhuận. Nắm bắt nhu cầu thị trường, cách đây 4 năm, anh Lợi đã đào những gốc sim mọc hoang trên đồi về trồng. Năm 2020, những gốc sim ban đầu đã cho 5 tạ quả, bán với giá 40 nghìn đồng/kg. “Trồng sim không khó, vì ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, giá trị cao hơn rất nhiều so với để vườn tạp”, anh Lợi cho biết.
Còn ông Nguyễn Như Hảo ở xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) đã cùng một số người góp vốn thành lập Hợp tác xã Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, cung ứng bưởi đường đặc sản cho thị trường. Với giá bán trung bình 35.000-40.000 đồng/quả, trồng bưởi đường Quế Dương cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Quân ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho biết, với 300 con gà Mía thả vườn, mỗi năm, gia đình ông thu được gần 150 triệu đồng. Đây là nguồn thu lý tưởng đối với các hộ dân làm nông nghiệp ở địa phương. Thời điểm hiện tại, xã Đường Lâm có hơn 20 hộ chăn nuôi gà Mía thương phẩm và nhân giống gà Mía cung cấp cho người chăn nuôi trong vùng.
Nói về những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, sau khi thực hiện thành công chương trình dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh giá trị cao. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản của địa phương, như: Bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, cam Canh, nhãn chín muộn Đại Thành, gà Mía Sơn Tây… đã được nông dân nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần nâng thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn lên 55 triệu đồng/người/năm (tính đến hết năm 2020).
Hỗ trợ để phát triển theo hướng hàng hóa
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, Sở NN&PTNT tích cực hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số loại cây ăn quả; phát triển thương hiệu cho một số vật nuôi là đặc sản của các địa phương; đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời nghiên cứu thị trường, dự báo sản lượng để bảo đảm ổn định sản xuất.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, những năm gần đây, Quốc Oai đã chuyển đổi hàng trăm héc ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Riêng với xã Đại Thành, huyện đã phê duyệt chuyển đổi 100% diện tích đất nông nghiệp (115ha) sang trồng nhãn chín muộn. Sở NN&PTNT và huyện Quốc Oai hỗ trợ người trồng nhãn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được bảo đảm, mã quả sáng, đẹp hơn. Niên vụ năm 2020, sản lượng nhãn chín muộn đạt 2.500 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Còn Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm - Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Duy Vụ thông tin, đơn vị đang nuôi hàng chục nghìn con gà Mía giống “bố mẹ”, với kỹ thuật hiện đại, mỗi năm có thể nhân được hàng triệu con gà Mía giống cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: “Thành phố Hà Nội đã đi đúng hướng, khi khai thác lợi thế từ các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, giá trị cao để phát triển kinh tế. Những mô hình như vậy cần được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp của thành phố hỗ trợ, từ khâu chọn giống, quy trình sản xuất đến các vấn đề liên quan tới thị trường tiêu thụ... để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phát huy hiệu quả đã đạt được từ các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Hà Nội cần tiếp tục xác định lợi thế riêng của mỗi địa phương, chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi vừa có giá trị kinh tế cao, vừa bảo đảm phát triển bền vững, đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa, qua đó nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn”.