Khẳng định vai trò ''bệ đỡ''
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 10/07/2021
Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai việc tái cơ cấu ngành với những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tổ chức sản xuất tốt, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm… Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp đã chủ động có giải pháp từ sớm để tiêu thụ nông sản vào mùa thu hoạch lớn trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa bằng các kênh bán hàng trực tiếp, trực tuyến hiệu quả, việc chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản…
Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 3-3,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 45 tỷ USD. Xét trong điều kiện hiện nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Nông nghiệp càng nặng nề hơn. Do vậy, giải pháp trọng tâm vẫn là tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trước hết, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần rà soát, đánh giá lại việc canh tác các loại cây trồng chủ lực, có diện tích sản xuất lớn, tính toán khả năng tiêu thụ để tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Cùng với đó là xây dựng phương án tìm đầu ra cho các loại nông sản chính vụ từ nay đến cuối năm để hỗ trợ nông dân trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt thông tin, điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Một giải pháp quan trọng nữa là cần tiếp tục chú trọng khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định số lượng đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác. Trong đó, cần quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, chăn nuôi an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Song song, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với ngành Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, logistics, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu…
Ở góc độ doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với các diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cùng với đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu truyền thống, cần chủ động tìm kiếm thị trường mới để đa dạng kênh tiêu thụ nông sản.
Chủ động thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò là “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.