Hạn chế mặt trái của ''thế giới ảo''
Xe++ - Ngày đăng : 06:37, 10/07/2021
Theo số liệu thống kê tính tới cuối tháng 4-2021, số người sử dụng Internet toàn cầu đã lên tới 4,72 tỷ, tức khoảng 60,1% dân số thế giới. Trong đó, 4,33 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Internet đã được đưa vào các thiết bị gia dụng hằng ngày để tạo nền tảng cho một không gian sống thông minh, đem lại lợi ích to lớn cho con người, song cũng càng ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nếu như trước đây, vấn đề an toàn Internet chủ yếu liên quan tới cộng đồng web đen hay đánh cắp dữ liệu cá nhân, thì thời gian gần đây, nạn tin giả, tình trạng bắt nạt, tấn công chính là mối đe dọa lớn nhất.
Theo các chuyên gia tâm lý, dù xảy ra trong “thế giới ảo” song nạn bắt nạt trên mạng gây ra những hậu quả rất nặng nề trong đời thực. Nạn nhân có thể bị tổn hại bất cứ lúc nào bởi các nguồn ẩn danh, và sự việc có thể ảnh hưởng dây chuyền đến rất nhiều người. Hình thức bắt nạt rất đa dạng, có thể xuất phát từ thông tin thất thiệt nhằm vào cá nhân, hoặc tình trạng tấn công theo nhóm đông khiến các nạn nhân khó có cơ hội lên tiếng để tự bảo vệ.
Một ví dụ đau lòng là cái chết của nữ đô vật người Nhật Bản Hana Kimura vào tháng 5-2020. Trước đó, Hana Kimura tham gia chương trình truyền hình thực tế Terrace House do Netflix sản xuất. Chương trình có sự tham gia của nhiều đô vật khác, trong đó có Kai Edward Kobayashi. Tranh cãi đã xảy ra khi anh này sơ ý làm hỏng bộ trang phục mà Kimura rất trân trọng. Sau trận cãi vã, nam đô vật rời khỏi Terrace House mà không nói lời tạm biệt với Hana Kimura. Từ đó, ngôi sao 22 tuổi đã trở thành mục tiêu công kích nặng nề trên mạng xã hội, thậm chí cả sau khi cô đã lên tiếng xin lỗi. Trước khi qua đời, nữ đô vật đã đăng tải một loạt bài viết trên mạng xã hội, bày tỏ sự đau khổ khi phải chịu đựng việc bắt nạt trực tuyến.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Tập đoàn công nghệ Microsoft cho thấy, 38% người dân được hỏi ở 32 quốc gia nói rằng họ đã từng liên quan đến một vụ bắt nạt trên mạng xã hội. Hậu quả phổ biến nhất của tình trạng này là những ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần của người bị bắt nạt. 53% người được hỏi trong độ tuổi 18 - 24 cho biết, họ cảm thấy bị cô lập và trầm cảm; những người sinh ra giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980 làm việc kém hiệu quả hơn. Những người gặp phải hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến tại nơi làm việc cho biết họ cảm nhận được nỗi đau khó có thể vượt qua từ những trải nghiệm đó.
Để hạn chế tình trạng này, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách để nâng cao nhận thức của người sử dụng Internet. Tháng 4-2019, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) của Anh đã ban hành quy tắc trên nền tảng mạng xã hội với mục đích giảm các hành vi bắt nạt, lăng mạ, đe dọa trong không gian ảo. Bộ quy tắc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải xây dựng chế độ cho phép người sử dụng báo cáo về những hành vi gây hại; đưa ra cảnh báo về thông tin, hình ảnh nhạy cảm hoặc có dấu hiệu vi phạm luật...
Tại Australia, chính phủ đã đưa ra quy tắc sử dụng mạng xã hội cho đội ngũ nhân viên hành chính công, trong đó quy định rõ những điều không được làm như phản đối các chính sách mà Chính phủ đang triển khai; tiết lộ thông tin nhạy cảm, bí mật của nhà nước; đăng hình ảnh hoặc video của đồng nghiệp mà không được sự đồng ý của họ...
Gần đây, Ấn Độ cũng đã ban hành quy tắc về đạo đức cho các phương tiện truyền thông kỹ thuật số với mục đích tăng cường giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn trên mạng xã hội. Bộ quy tắc có hiệu lực từ giữa tháng 5-2021 yêu cầu sự tham gia của các “ông lớn” công nghệ như WhatsApp, Twitter, Netflix, Facebook, Amazon... Ấn Độ yêu cầu người sử dụng phải đăng ký thông tin cá nhân chính xác như số điện thoại, địa chỉ đối với nhà cung cấp dịch vụ. Theo bộ quy tắc này, chính phủ Ấn Độ được quyền yêu cầu nhà mạng chặn bất kỳ nội dung nào đe dọa tới an ninh quốc gia, quan hệ hữu nghị với các nước, gây rối trật tự công cộng hoặc xúi giục hành vi phạm tội...
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia an ninh mạng, bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể thiết lập hệ thống pháp luật điều chỉnh hành động của các thành viên tham gia trên nền tảng mạng xã hội của quốc gia đó. Đây được xem như “chủ quyền lãnh thổ” của một quốc gia trên không gian mạng. Việc ban hành và thực thi các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy cách hành xử văn minh, hạn chế rủi ro đối với cư dân “thế giới ảo”.