Cần hiểu rõ lợi ích phòng dịch của vắc xin

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:22, 10/07/2021

(HNM) - Nước ta đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có quy mô lớn nhất lịch sử tiêm chủng quốc gia. Chính phủ và Bộ Y tế đã khẳng định, ngoài thực hiện thông điệp “5K”, việc tiêm vắc xin là biện pháp cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh. Trước tình trạng có một bộ phận nhỏ người dân tỏ ra lo ngại về phản ứng sau tiêm, các ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ về lợi ích phòng dịch của vắc xin.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Ngân Thùy

Lo ngại vì chưa hiểu đầy đủ về vắc xin

Tính đến hết ngày 7-7, cả nước đã thực hiện tiêm hơn 3,96 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là hơn 241.000 người. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ tháng 7-2021, nước ta tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc; theo nguyên tắc tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai.

Cầm trên tay tờ giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19, anh Nguyễn Thế Dũng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) phấn khởi nói: "Tôi tin là phải có vắc xin mới khống chế được đại dịch nên khi có điều kiện tôi đã quyết định tiêm ngay. Sau khi tiêm, chỗ tiêm có sưng nhẹ, kèm triệu chứng như cảm cúm. Tuy vậy, do được nhân viên y tế giải thích, dặn dò cẩn thận trước và sau tiêm nên tôi bình tĩnh theo dõi cơ thể cho đến khi trở lại bình thường".

Bên cạnh hầu hết người dân có ý thức mong đến lượt được tiêm phòng vắc xin để đẩy lùi dịch bệnh như anh Nguyễn Thế Dũng, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân băn khoăn về phản ứng phụ sau tiêm hoặc có tâm lý chờ đợi loại vắc xin được cho là "tốt" hơn... Chị Đỗ Thủy Giang (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) là đối tượng được ưu tiên nhưng chưa tiêm chủng vì còn băn khoăn khi cho biết: “Đọc các thông tin trên mạng về phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19 như sốt cao, đau đầu, chóng mặt... khiến tôi chần chừ chưa đăng ký tiêm phòng”. Còn chị Chu Thị Thu Huyền (phường Điện Biên, quận Ba Đình) cho hay, là cán bộ tổ dân phố từng đi lập danh sách người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng gia đình chị chưa đăng ký bởi muốn tìm hiểu kỹ để yên tâm hơn trước khi tiêm phòng.  

Anh Nguyễn Vũ Hưng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) - người đã tiêm phòng mũi một vắc xin Covid-19, cho biết: “Vừa qua, trong đợt tiêm mũi thứ nhất phòng Covid-19, cơ quan tôi vẫn còn một số người chưa đăng ký. Tôi nghĩ, nhiều người chưa hiểu hết lợi ích của tiêm chủng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, công khai số liệu thống kê về tình trạng sức khỏe sau tiêm chủng để người dân hiểu, yên tâm đăng ký tiêm”.

Tư vấn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại Trạm Y tế phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm

Tiêm phòng càng sớm càng tốt

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định, cũng giống như các loại vắc xin phòng bệnh khác, vắc xin phòng Covid-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi rút gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Nghĩa là khi tiêm vào, cơ thể sinh ra kháng thể có thể chống lại vi rút. Ngoài ra, nếu mắc bệnh sau tiêm phòng, vắc xin phòng Covid-19 còn có tác dụng giảm các triệu chứng bệnh và không để lại di chứng nặng nề.

Trước những băn khoăn của người dân, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc xin phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định, khuyến cáo; được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng.

Vì vậy, với một số người có tâm lý lựa chọn và chờ đợi vắc xin mình mong muốn, PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, nên tiêm phòng càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn tại địa phương. Việc sớm tiêm vắc xin là để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên chờ đợi lựa chọn vắc xin mà bỏ qua cơ hội tiêm chủng để sớm hình thành kháng thể phòng bệnh.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca có khoảng hơn 10% trường hợp bị đau đầu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ...; chưa đến 10% bị sưng, đau vết tiêm; các phản ứng phản vệ, quá mẫn muộn hiếm khi xảy ra. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và công nghệ thông tin (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) khẳng định thêm, không phải ai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng có phản ứng sốt, dị ứng.

Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng của vắc xin, công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, số điện thoại của các cơ sở y tế để người dân liên hệ tìm hiểu về tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nếu còn ngần ngại, người dân có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, từ đó có lựa chọn đúng cho bản thân và gia đình.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Trang Ngân