Sức sống mới từ những không gian cũ
Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 10/07/2021
Thêm không gian thụ hưởng văn hóa
Thay vì bắt gặp hình ảnh nhếch nhác và nồng nặc mùi hôi thối, thời gian này, khi đi qua nhà máy sản xuất mũ cối đã dừng hoạt động tại phố Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên), người dân đều trầm trồ, thích thú trước một không gian sạch đẹp, tràn ngập cây xanh và những hình ảnh mới lạ. Đó là không gian sáng tạo "282 Design" mới được hình thành, nơi tập hợp rất nhiều những không gian nhỏ, phục vụ nhu cầu vui chơi, tương tác và khơi nguồn sáng tạo.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, đồng sáng lập "282 Design", với phương châm tận dụng tối đa chất liệu cũ cho không gian mới, "282 Design" tái chế từ chân máy cũ đến những mảnh gỗ còn sót lại để làm bàn, ghế, vật dụng trang trí... Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế rác thải, lại lưu giữ ký ức về nhà máy cũ trong không gian mới - đúng với tinh thần sáng tạo. "Hiện không gian đang được nhiều nghệ sĩ, nhóm hoạt động cộng đồng lựa chọn làm nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ươm mầm sáng tạo; điểm đến vui chơi, thực hành sáng tạo của nhiều lứa tuổi… và cũng là điểm dừng chân của những nhà khởi nghiệp trẻ”, anh Phạm Thanh Huy nói.
Chỉ mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, không gian sáng tạo "Complex 01" (phường Quang Trung, quận Đống Đa) cũng nhanh chóng tạo được tiếng vang trong giới sáng tạo và thu hút những lời khen ngợi từ cộng đồng. Chị Nguyễn Phương Mai (ở ngõ Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa) chia sẻ: "Công trình này vốn là một xưởng in cũ, nằm xen kẹt trong ngõ. Từ khi được tái tạo, nơi đây trở thành không gian đa chức năng hấp dẫn, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu kết nối, khởi nghiệp và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, nhất là giới trẻ".
"282 Design" và "Complex 01" là hai trong nhiều ví dụ chứng minh cho những tiềm năng, lợi ích của việc chuyển đổi cơ sở sản xuất cũ thành không gian sáng tạo ở Hà Nội. Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), việc cải tạo, chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo giúp lưu giữ ký ức lịch sử đô thị, bảo vệ môi trường; đồng thời, tạo thêm không gian thụ hưởng văn hóa đô thị cho người dân, thúc đẩy văn hóa và công nghiệp sáng tạo phát triển.
Tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo
Phát triển công nghiệp văn hóa đã và đang được Hà Nội xác định là nội dung quan trọng trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; đồng thời là quyết tâm chính trị của thành phố trong việc thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” về thiết kế.
Điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” Lê Quang Bình cho rằng, thành phố cần xây dựng hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa. Việc chuyển đổi công xưởng cũ thành không gian sáng tạo chính là một hướng đi đúng, khi Hà Nội đang có gần 100 nhà máy được di dời khỏi nội đô. Thành phố cần xây dựng một kế hoạch hành động riêng, coi các không gian sáng tạo lớn, đa chức năng được chuyển đổi từ nhà máy cũ là nòng cốt.
Còn theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn, việc chuyển đổi nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo là khả thi và mang lại hiệu quả đa chiều. “Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong việc phát triển Thủ đô; hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo và huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, bắt nhịp xu thế thời đại; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, không ngừng cải thiện đời sống tinh thần nhân dân. Những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, củng cố cơ sở hạ tầng cho nền tảng công nghiệp sáng tạo nói riêng đã và đang là cơ sở để các cơ quan chức năng tham khảo trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết quan trọng này.