Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài

Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 10/07/2021

(HNM) - Hơn một năm nay, dư luận trong và ngoài nước đánh giá nước ta có nhiều lợi thế đón nhận dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển. Thực tế 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm 15,27 tỷ USD. Tuy nhiên, các ngành, các cấp cần nỗ lực hơn nữa trong khắc phục hạn chế để tận dụng cơ hội, tập trung thu hút nguồn lực này.

Sản xuất tấm quang năng tại dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Khoai (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Thanh Hải

Kết quả khả quan

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút thêm 15,27 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh hoạt động đầu tư thế giới rất trầm lắng, nhất là với chỉ số vốn giải ngân đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8%. Xét về cơ cấu, vốn đăng ký mới đạt 9,55 tỷ USD, tăng 13,2%; vốn đăng ký điều chỉnh cũng duy trì đà tăng kể từ tháng 5-2021, đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 54,3%, đạt 1,61 tỷ USD và là nguyên nhân khiến tổng vốn đầu tư nước ngoài giảm trong 6 tháng đầu năm 2021.

Về lĩnh vực đầu tư, có 18 ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sản xuất, phân phối điện là lĩnh vực thu hút vốn nhiều thứ hai với 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Một số dự án lớn là Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan - Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 610 triệu USD; dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông - Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và thiết bị điện tại Quảng Ninh… Lũy kế đến nay, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Có thể thấy, diễn biến hoạt động đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng thu hút đầu tư là chú trọng vào những dự án công nghệ cao, làm nền tảng để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng rõ nét. Uy tín môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tiếp tục gia tăng, với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nhân lực trẻ.

Đại diện cho giới đầu tư, ông Kenneth Atkinson, thành viên Hội đồng quản trị Hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao hành động nhanh chóng, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 của Việt Nam. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam Michael Chiu, Việt Nam đang nằm trên bản đồ mở rộng đầu tư nhờ sự an toàn và ổn định của thị trường cùng kết quả tăng trưởng đáng ghi nhận của nền kinh tế.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trở thành tác nhân khiến các tập đoàn, công ty quốc tế càng phải nhanh chóng tìm cách thích nghi để duy trì sản xuất. Đây là cơ hội để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các dự án công nghệ cao thuộc một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng, điện tử, bán dẫn, hóa dược, logistics… là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, chính sách, nhân lực cho nhà đầu tư là giải pháp quan trọng, bên cạnh việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Là địa phương đứng thứ 3 cả nước trong thu hút nguồn vốn ngoại, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ kinh nghiệm, thành phố đã tích cực cải cách hành chính, thành lập trung tâm hành chính công tích hợp, thông minh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm hiểu thông tin, triển khai dự án trên địa bàn.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, bên cạnh việc khai thác dư địa còn lại trong cải cách để hấp dẫn nguồn ngoại lực, các cấp, ngành cũng nên có “bộ lọc” để phát hiện, từ chối dự án không đạt yêu cầu. Giải pháp nữa là khắc phục những điểm yếu như thiếu cơ sở công nghiệp phụ trợ, hạn chế về sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng và khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những tồn tại đã được nhận diện từ lâu.

Cùng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách, có thể phản ứng nhanh trước những cơ hội đón nhận đầu tư nước ngoài và đáp ứng đề nghị của nhà đầu tư để chủ động đón những dự án quy mô lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội đạt trên 694 triệu USD. Trong đó, 171 dự án mới có số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư 447,7 triệu USD; 250 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá 120,5 triệu USD.

Hồng Sơn