Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 12/07/2021

(HNM) - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 diễn ra ngày 2-7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập thời gian qua là phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục, trách nhiệm không rõ ràng, gây ách tắc trong công việc, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. Thủ tướng yêu cầu, càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp nhằm khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2021.

Phát biểu của Thủ tướng đặt trong bối cảnh đất nước ta bước qua 6 tháng đầu năm 2021 với nhiều thành tựu lớn. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ở nhiều địa phương, song các sự kiện lớn của đất nước được tổ chức thành công, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được bảo đảm. Tuy thành tựu, thành tích là cơ bản, song bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa chưa đạt mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, dịch Covid-19 vẫn đe dọa đến hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân... Thực tế này cho thấy, càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy chủ động, sáng tạo của các cấp trong khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Chủ trương phân cấp, phân quyền đã được Đảng ta khẳng định, thể chế hóa trong Hiến pháp, cụ thể hóa thành luật và các quy định. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu: “Khẩn trương hoàn thành việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trên từng ngành, từng lĩnh vực”. Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền tảng cho cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương thông qua quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương”. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có bước tiến quan trọng trong phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước. Trong đó khẳng định thẩm quyền của Chính phủ trong thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Thực tế cũng cho thấy, nhờ được phân cấp, phân quyền, các địa phương nâng cao tính chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn lực ở địa phương; có cơ chế điều hành sát hơn với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều thủ tục hành chính được bộ, ngành trung ương phân cấp, phân quyền cho địa phương giải quyết đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian, khâu trung gian, phục vụ kịp thời hơn, tốt hơn doanh nghiệp và nhân dân. Hiệu quả của phân cấp, phân quyền cũng có thể thấy rõ khi mỗi địa phương chủ động trong triển khai phương án ứng phó với dịch Covid-19, từ đó giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra đến mức thấp nhất...

Song nhìn nhận kỹ thực tế thì rõ ràng, chính sách phân cấp, phân quyền đến nay còn nhiều điều cần suy ngẫm. Vẫn còn tình trạng phân cấp, phân quyền không rõ ràng, chồng chéo, chưa triệt để nên phân cấp, phân quyền rồi nhưng cái gì cũng báo cáo, xin ý kiến, chủ trương, sinh ra nhiều cấp trung gian, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. Ngược lại, phân cấp, phân quyền rồi nhưng lại sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, gây ách tắc trong công việc. Cơ chế kiểm tra, giám sát cũng chưa cụ thể, phân cấp nhưng chưa đồng bộ với phân quyền, phân cấp nhưng các quy định khác có liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp nên khi thực hiện thẩm quyền theo phân cấp vẫn gặp nhiều vướng mắc. Chưa kể, phân cấp, phân quyền phải đi kèm năng lực thực thi; năng lực chưa đủ thì khó có thể thực thi thẩm quyền được giao.

Phân cấp, phân quyền là xu hướng tất yếu trong quản trị nhà nước. Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng như phải sớm khắc phục bất cập, tồn tại trong phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền phải gắn với phân rõ trách nhiệm, rõ công việc, rõ hiệu quả, đi đôi với cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quyền lực, bảo đảm thực hiện hiệu quả công việc được giao, quyết liệt tháo gỡ cơ chế, chính sách còn vướng mắc, thiếu đồng bộ; phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp dưới phải căn cứ vào khả năng thực hiện nhiệm vụ được phân cấp... Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền không chỉ giữa Trung ương và địa phương mà còn giữa các cấp chính quyền địa phương, đi đôi với phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không thụ động, trông chờ, ỷ lại. Có như vậy, chính sách phân cấp, phân quyền mới thực sự phát huy hiệu quả, là cơ chế thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Gia Khánh