Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: Hỗ trợ mở rộng thị trường

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:55, 12/07/2021

(HNM) - Hà Nội đã có 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ... tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng. Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại quận, huyện, thị xã…

Các sản phẩm OCOP đặc sắc của thành phố Hà Nội được trưng bày và bán tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), số 176 Quang Trung (quận Hà Đông).

Tăng cơ hội tiếp cận khách hàng

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Cả nước có hơn 4.400 sản phẩm OCOP thuộc 59 tỉnh, thành phố đã được đánh giá, phân hạng, trong đó, Hà Nội có 1.054 sản phẩm. Những sản phẩm OCOP của thành phố đa dạng về chủng loại, mang đặc trưng, thế mạnh riêng có của từng quận, huyện, thị xã và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định. Tiêu biểu như: Gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), miến làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ), vải dệt từ tơ sen (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức)...

Để hỗ trợ các chủ thể OCOP, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sở Công Thương Hà Nội đã khai trương 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã… Hàng hóa bày bán tại các điểm trên đều là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP ở Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) số 176 Quang Trung (quận Hà Đông), điều đầu tiên có thể nhận thấy là hàng chục sản phẩm OCOP được sắp đặt trên các giá, kệ một cách hợp lý, đẹp mắt. Các sản phẩm đều có tem, nhãn, giấy chứng nhận OCOP của cơ quan chức năng… Theo Trưởng phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - đơn vị phụ trách điểm bán hàng) Hoàng Minh Lâm, sản phẩm trưng bày tại đây được các chủ thể OCOP ký gửi và để lại thông tin cá nhân. Người dân có thể tham quan, mua sắm trực tiếp, nếu muốn biết kỹ hơn, có thể liên hệ với các chủ thể OCOP để tìm hiểu thực tế tại nơi sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Tứ cho biết, sản phẩm trà chùm ngây của đơn vị đã được giới thiệu tại nhiều điểm bán sản phẩm OCOP của thành phố. Đây là cơ hội để đơn vị tiếp cận với khách hàng, từ đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tục mở thêm các điểm bán

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2021, thành phố tiếp tục vận động, hướng dẫn các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng mã QR… để có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, chinh phục người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm OCOP trên các trang thương mại điện tử, livestream bán hàng trực tuyến. Đây là kênh phù hợp với xu thế mua sắm của người dân hiện nay.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối thông tin sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở Công Thương và Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp danh sách hơn 1.800 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố, gửi đến các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, các siêu thị, chuỗi cửa hàng của Hà Nội và các địa phương để tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm...

Dự kiến năm 2021, Hà Nội sẽ khai trương thêm 30 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã. “Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm đề xuất, thành phố có cơ chế cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP như: Lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng…; hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán…

Có thể thấy, các sở, ngành chức năng của thành phố đã và đang nỗ lực hỗ trợ cho các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Tuy vậy, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, các chủ thể OCOP cần chú trọng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối, nhà nhập khẩu. Đồng thời, các chủ thể đã có “chỗ đứng” trong các điểm bán sản phẩm cần quan tâm nhiều hơn đến khâu trang trí, trưng bày sản phẩm, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên bán hàng… để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng tới sản phẩm của đơn vị mình.

Nguyễn Mai