Phát huy vai trò của chi bộ trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:32, 12/07/2021
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ ra những nguyên nhân yếu kém, trong đó có việc “sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu”… Từ đây, những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cũng được đề cập, nổi bật là: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ...
Đạo đức của cán bộ, đảng viên thực chất là đạo đức cách mạng. Đó là sự điều chỉnh lời nói, hành vi, hành động theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết các mối quan hệ với người, với tập thể và với việc, trên tinh thần đặt lợi ích cá nhân xuống dưới lợi ích tập thể, quốc gia, dân tộc và nhân dân. Nói một cách cô đọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là tinh thần dám hy sinh, tận tâm, tận lực cống hiến, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hiện nay, có một thực trạng đáng buồn là đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những hiện tượng tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Phổ biến là không chấp hành triệt để quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định trong thực thi công vụ. Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng hai mặt trong cán bộ, đảng viên: Trong sinh hoạt Đảng thì biểu quyết, nhất trí cao với nghị quyết, chương trình hành động nhưng khi thực thi thì tổ chức theo hướng có lợi cho cá nhân, cho nhóm người.
Nguy hiểm hơn cả là hiện tượng cán bộ, đảng viên luôn nói hay, nói đúng chủ trương, động viên nhân dân thực hiện chủ trương nhưng bản thân mình thì lại không làm như thế, thậm chí hành động ngược lại nhằm thu vén cho cá nhân. Do coi trọng lợi ích, chạy theo giá trị vật chất, đề cao chủ nghĩa cá nhân nên không chỉ làm mất niềm tin với nhân dân mà còn dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, đấu đá nội bộ, phe nhóm, tranh giành quyền lực. Việc nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) cấu kết vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; sự việc ở Bệnh viện Tim Hà Nội khiến nhiều cán bộ bị truy tố đã cho thấy rõ điều đó.
2. Tổ chức sinh hoạt Đảng ở các chi bộ là điều kiện thuận lợi để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng; để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng nguồn lực cho tổ chức và lãnh đạo thực hiện phong trào cách mạng hiệu quả. Bởi chi bộ là nơi sát nhất trong quản lý, đánh giá, nhận xét phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực của cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách ở cơ sở.
Phân tích kỹ nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội trong phần xây dựng Đảng thấy rằng, “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Bởi đây là điều kiện tiên quyết do chi bộ có đầy đủ các công cụ như nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật để tìm ra các nguyên nhân và xử lý các hiện tượng sai phạm của cán bộ, đảng viên. Những hình thức này được thể hiện trong Điều lệ, các quyết định, quy định, chỉ thị của Đảng... Vì thế, để tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên thì cần chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, tổ chức duy trì sinh hoạt chi bộ nền nếp, chặt chẽ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, vừa khơi gợi, xây dựng động cơ hành động cách mạng, vừa thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm khắc. Không dĩ hòa vi quý trong giao nhiệm vụ và đánh giá thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên hời hợt mà phải trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả, rõ thời gian hoàn thành.
Bên cạnh đó, không ngừng phát huy vai trò, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cấp ủy và bí thư chi bộ. Hiện có thực trạng đáng lo lắng là tình trạng xem nhẹ nghị quyết, chương trình hành động khá phổ biến. Do lựa chọn, bố trí sai nguồn bí thư, cấp ủy nên dẫn tới hiện tượng nghị quyết, chương trình hành động được “đánh máy” sạch sẽ về hình thức nhưng chỉ tiêu, biện pháp thì chung chung, thiếu lượng hóa, giao nhiệm vụ không cụ thể, thiếu tính kế hoạch nên khi thực hiện phát sinh những sai phạm thì khó kiểm tra, khó giám sát, không thể quy trách nhiệm, xử lý sai phạm.
Để làm tốt chức năng giáo dục, rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên thì yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đánh giá đúng thực trạng phẩm chất đạo đức, năng lực, chất lượng công tác của từng cán bộ, đảng viên. Đánh giá đúng, sát thực tế sẽ có cơ sở để đưa ra biện pháp, lựa chọn thời điểm để giáo dục chung, riêng thuyết phục, hiệu quả... Từ đó ngăn chặn được cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, xuống cấp đạo đức, lối sống.
Chi bộ là nơi giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Nếu cán bộ, đảng viên tốt thì chi bộ mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được khẳng định. Nếu chi bộ yếu thì dễ bị cái xấu thao túng, mất vai trò và như thế thì chất lượng rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo và sức mạnh chung của tổ chức Đảng.