Giữ đà tăng trưởng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 13/07/2021

(HNM) - Mặc dù dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa…, song sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi tích cực, đạt tốc độ tăng trưởng khá. Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2021 của thành phố tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Thành quả này một lần nữa khẳng định tính đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, bản thân các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng phương án duy trì sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến ngày càng phức tạp; đặc biệt mấy ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tục xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới tại doanh nghiệp cũng như trong cộng đồng, khiến hoạt động sản xuất công nghiệp phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để giữ đà tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2021, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.

Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương; Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể bùng phát mạnh. Cùng với đó là khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: Hoãn và giãn đóng thuế; hạ lãi suất cho vay... nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất không bị gián đoạn, đứt gãy.

Về phía các doanh nghiệp, cần nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi sản xuất, nơi ở tập trung của người lao động; chủ động nhận diện nguy cơ lây nhiễm dịch trong doanh nghiệp mình để xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bùng phát dịch bệnh. Công tác tuyên truyền cần chú trọng hơn một bước nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho người lao động; đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát công nhân, người lao động thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc; chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận được ưu tiên tiêm hoặc được mua vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho công nhân.

Khi dịch Covid-19 có dấu hiệu “tràn vào” khu công nghiệp như hiện nay, người lao động cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế; chủ động, trung thực trong khai báo y tế theo đúng hướng dẫn; hạn chế tối đa việc tiếp xúc bên ngoài...

Chủ động phương án sản xuất; các biện pháp phòng, chống dịch được kích hoạt ở mức cao nhất gắn với sản xuất an toàn, ổn định sẽ là giải pháp quan trọng, để Hà Nội giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm 2021.

Thu Hằng