Chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch

Đời sống - Ngày đăng : 16:51, 13/07/2021

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu từ 0h ngày 13-7 dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, các cửa hàng cắt tóc, gội đầu; đồng thời, thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 13-7 cho thấy, đa số các cơ sở kinh doanh, người dân đã nghiêm túc chấp hành quy định của thành phố.

Một cửa hàng trên địa bàn thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) ký cam kết thực hiện nghiêm công tác phòng dịch trong điều kiện mới của thành phố.

Yêu cầu ký cam kết, thường xuyên kiểm tra, giám sát

Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết, đến trưa ngày 13-7, UBND phường đã gửi thông báo, yêu cầu 500 hộ kinh doanh, buôn bán ký cam kết tạm dừng bán hàng. Từ ngày 14-7, UBND phường sẽ xử phạt nghiêm các hàng quán không chấp hành quy định. Từ 1-5 đến nay, phường đã xử phạt 65 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, 2 trường hợp hàng quán vi phạm quy định phòng, chống dịch với tổng số tiền phạt 197,5 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, từ sáng 13-7, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tổ chức xe lưu động thông báo thực hiện theo Công điện của thành phố tới 447 cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, yêu cầu ký cam kết đóng cửa theo đúng quy định.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Ứng Hòa yêu cầu 422 tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình dịch bệnh, theo dõi, kiểm tra và nhắc nhở các hộ dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, phân công các tổ giám sát thực hiện tuyên truyền, vận động, theo dõi việc chấp hành của các hộ kinh doanh.

Anh Phạm Văn Dũng, chủ nhà hàng gà Mạnh Hoạch, khu trung tâm thương mại thị trấn Vân Đình, cho biết, từ khi dịch bùng phát, nhà hàng đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Dù mới hoạt động trở lại một thời gian ngắn, nhưng vì trách nhiệm phòng dịch nên nhà hàng tiếp tục đóng cửa, không phục vụ tại chỗ theo đúng quy định của thành phố.

UBND huyện Ứng Hòa cũng tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó huyện đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình phụ trách. Quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, người lao động, kể cả ngoài giờ hành chính, đi ra ngoài địa bàn thành phố phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan. Đặc biệt, những người đi về từ vùng dịch đều phải lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế, tự cách ly tại nhà theo quy định. 

Một doanh nghiệp ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) yêu cầu người lao động đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi đến xưởng.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trên địa bàn các xã: Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh... của huyện Mê Linh, hầu hết các cửa hàng không thiết yếu đều đóng cửa theo chỉ đạo của thành phố. Những cửa hàng được phép bán hành mang về đều treo biển yêu cầu khách đến mua hàng nghiêm túc đeo khẩu trang và thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Lương cho biết, ngay khi nhận được Công điện của thành phố, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở và xử phạt nghiêm các vi phạm. Những trường hợp không thực hiện quy định sẽ đóng cửa, thu hồi giấy phép. Từ ngày 29-4 đến nay, huyện đã xử phạt 60 trường hợp vi phạm quy định phòng dịch với số tiền 132,1 triệu đồng.

Xử lý nghiêm vi phạm

Bên cạnh nhiều địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch, vẫn còn một số nơi chủ quan, vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), còn có người bán hàng rong, bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các phố Hoa Bằng, Trung Kính; khu vực ngõ 445 phố Nguyễn Khang còn tồn tại “chợ cóc”.

"Chợ cóc" vẫn hoạt động tại ngõ 445 phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy).

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Trần Hải Yến khẳng định, sẽ tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý ngay vi phạm Báo nêu. Bà Trần Hải Yến cho biết, thực hiện yêu cầu của UBND thành phố, các tổ công tác phòng, chống Covid-19 của phường đã giải tỏa 3 “chợ cóc”; yêu cầu đóng cửa 300 cửa hàng ăn uống, dịch vụ cắt tóc, gội đầu; rà soát y tế, yêu cầu xét nghiệm đối với 86 người từ thành phố Hồ Chí Minh về địa phương và giám sát việc cách ly tại nhà đối với các trường hợp này. Đến nay, UBND phường đã xử phạt 70 trường hợp không đeo khẩu trang và tụ tập đông nơi công cộng, số tiền 197 triệu đồng; phạt 16 cơ sở kinh doanh ăn uống bán hàng sau 21h, số tiền phạt 7,5 triệu đồng.

Ở chợ dân sinh trên phố Giáp Bát, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), phóng viên nhận thấy, vẫn có nhiều người dân đeo khẩu trang theo kiểu đối phó. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, chiều 12-7, UBND phường đã gửi thông báo đến các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu về việc ký cam kết thực hiện tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng công an, tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ đầu tháng 5 đến nay, phường đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 46 triệu đồng đối với 23 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Theo Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Nguyễn Thao Hùng, 16h30 ngày 12-7, UBND phường, Công an phường cùng các lực lượng đã kiểm tra đột xuất quán bi-a số 14 Đặng Tiến Đông, phát hiện tại quán tập trung hơn 20 người. “UBND phường đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về công tác phòng, chống dịch đối với người chơi là 37 triệu đồng. Hiện, UBND phường đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất quận xử phạt đối với cơ sở trên theo thẩm quyền vì có dấu hiệu tái phạm”, ông Nguyễn Thao Hùng cho hay.

Trong khi các lực lượng chức năng đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch thì vẫn còn nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng dịch. Điều này cho thấy, cần nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại địa bàn quận Hoàng Mai, từ chiều tối 12-7 và sáng 13-7, lực lượng chức năng các phường trên địa bàn quận đã đi tuyên truyền, yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Công an phường Định Công nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng dịch Covid-19.

Nhiều quán cà phê trên địa bàn quận Hoàng Mai đóng cửa hoặc chỉ bán mang về.

Ghi nhận trong sáng 13-7, ngoài các xe tuần tra lưu động, còn có nhiều chốt trực cố định được lập trên địa bàn các phường. Tại địa bàn các phường đông dân cư, nhiều hàng quán dịch vụ như Hoàng Liệt, Định Công, toàn bộ lực lượng công an phường đã ra quân tuyên truyền nhiều lần trong ngày để các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống chỉ bán mang về; tổ chức chốt trực để nhắc người dân không tập thể dục nơi công cộng.

Thông tin từ UBND quận Hoàng Mai cho biết, trong ngày đầu tiên ra quân đợt cao điểm, 13-7, lực lượng chức năng đã xử phạt 9 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, với tổng tiền xử phạt là 15 triệu đồng; xử phạt 6 cửa hàng không chấp hành quy định phòng dịch Covid-19, với tổng tiền xử phạt là 90 triệu đồng.

Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên