Dự kiến đầu tư 90.260 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Đời sống - Ngày đăng : 16:58, 13/07/2021
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đối tượng thụ hưởng của chương trình gồm các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người bị bạo lực trên cơ sở giới, người cai nghiện; người học nghề, người lao động, giáo viên, cán bộ quản lý; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện; cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em, hỗ trợ về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cơ quan có liên quan.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20-25%/năm…
Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%.
Chương trình cũng phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; tỷ lệ thiếu việc làm dưới 1,89%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 45%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 35%; tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,4 lần so với nam giới; tỷ lệ người 15-30 tuổi không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%...
Số người được hỗ trợ xã hội hằng tháng tại cộng đồng là 3,5% dân số; số người được hỗ trợ xã hội đột xuất là 100% người gặp khó khăn; tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội là 10% dân số; tỷ lệ người sử dụng, người nghiện ma túy được quản lý, tiếp cận các dịch vụ về dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy là 90%.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chương trình là 90.260 tỷ đồng.
Cho ý kiến về dự thảo chương trình, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chương trình nên lấy tên “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” để phù hợp với nội dung trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương đúng đắn. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đánh giá, những dự án, tiểu dự án được đề ra trong chương trình là rất quan trọng, như phát triển hệ thống bảo trợ xã hội, hệ thống cai nghiện ma túy, năng lực của các trường nghề… Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần nghiên cứu lồng ghép giữa chương trình cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các chương trình đạt được hiệu quả cao nhất.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo chương trình trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất.