Masan đề xuất ưu tiên vắc xin cho nhân viên siêu thị và sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:15, 13/07/2021
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành bán lẻ và sản xuất tăng cường phục vụ
Bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng là ngành hàng phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp bán lẻ phải luôn mở cửa phục vụ, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với giá cả bình ổn.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố không lo thiếu thực phẩm, vì thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba lần thông thường. Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đã có 3 chợ đầu mối và 151/234 chợ truyền thống, chiếm hơn một nửa số chợ truyền thống, buộc phải tạm ngưng hoạt động để chống dịch Covid-19. Áp lực dồn lên hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích… càng lớn hơn.
Việc ba chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức và hơn 100 chợ truyền thống bán lẻ phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 đã gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân.
Chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều khó khăn
Ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát, hệ thống VinMart/VinMart+ đã làm việc, kết nối với nhiều nhà cung cấp để bảo đảm hàng hóa cung ứng liên tục, đồng thời dự phòng sản lượng luôn đủ cho 3-6 tháng.
Chủ động nguồn hàng nhưng khâu lưu thông hàng hóa của siêu thị đến các điểm bán đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc triển khai xét nghiệm theo yêu cầu để bảo đảm phòng, chống dịch có nguy cơ lây lan vào các hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất đang tạo ra những nút thắt lớn, có khả năng dẫn đến khâu cung ứng vào các điểm bán hàng thiết yếu này bị ách tắc, đứt gãy bất kỳ lúc nào.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam chia sẻ, hàng hóa vào VinMart phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng cấp; cùng với đó, tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 trong thời hạn 3 ngày.
“Do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian nên đây là nguyên nhân gây khó khăn chính cho công tác lưu thông hàng hóa. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào thành phố Hồ Chí Minh cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên hàng hóa bị lưu giữ hoặc không qua được các chốt kiểm dịch”.
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho ngành bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm
Từ thực tế người dân đổ xô tới siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua sắm thực phẩm, đồ uống, đồ dùng cá nhân... trước thời điểm giãn cách xã hội cho thấy vai trò to lớn của các hệ thống bán lẻ trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm ổn định tâm lý xã hội, bình ổn thị trường, nhất là khi dịch bệnh có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay, các hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ vẫn đang áp dụng nguyên tắc 5K nhưng việc trang bị cho các nhân viên ngành bán lẻ “lá chắn” vắc xin là rất cấp bách.
Mặc dù vậy, việc tiêm vắc xin hiện nay cho nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng vẫn chưa bảo đảm tiến độ. Là đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, Masan có 40.000 nhân viên. Tuy nhiên, chỉ mới có hơn 6.500 nhân viên được tiêm vắc xin.
Ngày 11-7, Tập đoàn Masan đã gửi công văn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang: “Tập đoàn Masan kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An xem xét ưu tiên cho nhân viên trong hệ thống bán lẻ Vinmart và công nhân tại các nhà máy của Masan tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An được tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tiếp tục phục vụ nhân dân trong tình hình khẩn cấp hiện nay và bảo đảm tinh thần cho cán bộ, công nhân viên cũng như sẽ không có bất cứ sự gián đoạn nào trong các khâu bán lẻ và sản xuất”, ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan nêu kiến nghị.
Các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ hàng hóa nhu yếu phẩm đứng đầu cả nước đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và Bộ Công Thương giao phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân. Tập đoàn Masan cũng kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này, cũng là góp phần bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng.
Tiếp tục đồng hành cùng cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vừa qua, Tập đoàn Masan (đơn vị chủ quản của hệ thống VinMart/VinMart+) thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ 2 máy trao đổi oxy ngoài cơ thể - ECMO, cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và 6.000 kit xét nghiệm PCR Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trị giá tương đương 10 tỷ đồng.