Phong trào Không liên kết cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trên toàn cầu

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:46, 13/07/2021

(HNMO) - Ngày 13-7, Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết với chủ đề “Không liên kết, trung tâm của nỗ lực quốc tế ứng phó với các thách thức toàn cầu” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Azerbaijan, nước Chủ tịch đương nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh, vai trò của Phong trào Không liên kết trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển; đồng thời, là diễn đàn để tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, nổi bật là đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị, các nước thành viên đều đề cao những đóng góp của Phong trào Không liên kết 60 năm qua (1961-2021) vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc, là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới. Trong tình hình hiện nay, các nước đều chia sẻ quan ngại về các thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, chủ nghĩa cường quyền, cạnh tranh giữa các nước lớn, cũng như tác động của Covid-19; nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, Liên hợp quốc và tái khẳng định cam kết thúc đẩy tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định, tinh thần đoàn kết và các nguyên tắc của phong trào chính là nguồn sức mạnh để phong trào có thể vượt qua những khó khăn, thách thức ngày nay, tương tự chặng đường 60 năm qua, khi Phong trào Không liên kết ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và Chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị ngày 13-7.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, Phong trào Không liên kết cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, đặc biệt là các nỗ lực phục hồi sau đại dịch, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ứng phó với biến đổi khí hậu… Việt Nam đề cao các nguyên tắc cốt lõi của Phong trào Không liên kết, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, nhất là trong nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Nhân dịp này, hội nghị đã nhất trí kết nạp Liên bang Nga làm quan sát viên của Phong trào Không liên kết.

Nguyễn Thúc