Nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay chính sách
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 14/07/2021
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh:
Tập trung tuyên truyền để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Trên cơ sở chỉ tiêu nguồn vốn ủy thác của thành phố Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm an toàn nguồn vốn vay. Cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức liên quan để gắn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền chương trình tín dụng chính sách để người dân hiểu, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi; hoàn thiện hồ sơ, bình xét cho vay khách quan, dân chủ để giải ngân vốn vay nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời phối hợp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ vay vốn ủy thác và điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết việc làm
Tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn quận Hà Đông thời gian qua vẫn được triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Việc tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường các nguồn lực huy động, cải cách thủ tục cho vay vốn sẽ giúp cho các đối tượng vay tiếp cận được nguồn vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn ủy thác của ngân sách thành phố góp phần tạo việc làm ổn định bình quân cho 31.000 lao động/năm, tương đương 19% chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố hằng năm, giai đoạn 2021-2025. Quận Hà Đông sẽ quan tâm bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giải quyết việc làm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng:
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục chỉ đạo nâng cao nhận thức, vai trò của chính quyền các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong việc triển khai và sử dụng tín dụng chính sách xã hội một cách hiệu quả, thực chất. Chắc chắn, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo Kế hoạch số 159/KH-UBND sẽ tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh đưa cây, con giống mới vào mở rộng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, từ đó nhân lên nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Đinh Thị Nhung, người dân tộc Mường ở thôn 5 (xã Ba Trại, huyện Ba Vì):
Cần giúp người khó khăn tiếp cận nhanh nguồn vốn vay
Từ nhiều năm nay, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội Phụ nữ thôn 5 (xã Ba Trại) đã giúp nhiều hộ gia đình khó khăn có nguồn lực phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Tin rất vui với chúng tôi là thành phố đã ban hành kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, theo nguyên tắc đối tượng cho vay là hộ nghèo, các đối tượng chính sách; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Tôi rất mong ngành chức năng, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để những đối tượng trong diện thụ hưởng tiếp cận nhanh nguồn vốn vay, đồng thời được hướng dẫn sử dụng vốn vay an toàn, hiệu quả.
Ông Phạm Đức Phú, tổ 16 (phường Thượng Thanh, quận Long Biên):
Bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích
Đối với các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách..., việc được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và sử dụng hiệu quả sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Do đó, bên cạnh việc quản lý các khoản vay, để đồng hành cùng người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể, các tổ chức tham gia tư vấn, phổ biến, hướng dẫn hộ dân vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để bà con học tập và áp dụng. Từ đó sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân, đồng thời bảo đảm nguồn vốn sau giải ngân được sử dụng đúng mục đích.