Hiểu đúng về quy định ''doanh nghiệp phải bố trí ăn nghỉ tập trung cho công nhân''

Đời sống - Ngày đăng : 17:33, 14/07/2021

(HNMO) - Trước dư luận lo ngại mọi loại hình doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15-7 nếu không tổ chức ăn nghỉ tập trung cho công nhân, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có giải thích cụ thể về vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký các biện pháp vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch cho công nhân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, Văn bản số 2337/UBND-TH chỉ điều chỉnh một số nội dung liên quan đến các doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất. Các hoạt động cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn thành phố vẫn được điều chỉnh theo Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8-7-2021 về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, phải thực hiện một trong hai hình thức quản lý công nhân, người lao động, giảm tối đa khả năng lây nhiễm Covid-19 để tiếp tục sản xuất.

Thứ nhất là nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ. Theo đó, doanh nghiệp bố trí công nhân ăn nghỉ ngay trong khuôn viên nhà máy. Đây là hình thức được nhiều doanh nghiệp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và gần đây nhất là doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương áp dụng.

Thứ hai là nguyên tắc “1 tuyến đường, 2 địa điểm”. Theo đó, doanh nghiệp có thể bố trí cho người lao động ở tập trung trong khu ký túc xá hoặc khu nhà thuê ngoài khu vực sản xuất; hằng ngày tổ chức đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc và quay trở về khi hết ca làm việc. Doanh nghiệp có trách nhiệm hạn chế tối đa sự tiếp xúc của công nhân với cộng đồng bên ngoài, đảm bảo an toàn phòng dịch khu công nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện được, sẽ phải tạm dừng sản xuất từ 0h ngày 15-7.

“UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp và ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Hiện đã có 161 doanh nghiệp đăng ký thực hiện theo hai hình thức trên. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang triển khai thực hiện, với tổng số công nhân lên đến 9.314 người”, ông Dương Anh Đức nói.

Như vậy, các doanh nghiệp thiết yếu, doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố không trong diện điều chỉnh của văn bản này. Các doanh nghiệp đó vẫn tiếp tục hoạt động như thời gian qua và thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Cũng theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (HEPZA) đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng trong các khu vực sản xuất để các doanh nghiệp sử dụng làm nơi cách ly tạm thời khi cần thiết.

Nam Trung