Thành phố Hồ Chí Minh: 5 việc chưa làm được và 5 việc sẽ làm trong phòng, chống dịch Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 20:24, 15/07/2021
Tiếp thu những chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các báo cáo của các thành viên tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã thẳng thắn chỉ ra những việc còn khiếm khuyết và những việc cần thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành thắng lợi mục tiêu thành phố Hồ Chí Minh sẽ cơ bản khống chế được dịch Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới.
5 việc chưa làm được
Thứ nhất là vẫn còn thiếu sót trong kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 100 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Tuy nhiên, công tác tái kiểm, hậu kiểm chưa được duy trì nghiêm, dẫn đến vẫn xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong một số doanh nghiệp. Thực tế này dẫn đến việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phải quyết định chỉ có doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, cho công nhân ăn, nghỉ và làm việc ngay tại nhà máy, hoặc yêu cầu “1 cung đường, 2 điểm đến” để doanh nghiệp bảo đảm đưa đón công nhân từ nơi ăn nghỉ tập trung, tách biệt đến nơi sản xuất từ ngày 15-7.
Toàn thành phố đã có gần 300 doanh nghiệp với hơn 42.000 lao động triển khai 2 biện pháp trên. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiên quyết dừng hoạt động các doanh nghiệp không bảo đảm yêu cầu phòng dịch.
Thứ hai là thiếu sót trong quản lý người tại các khu cách ly, phong tỏa. Thực tế ghi nhận cho thấy tại nhiều khu cách ly, phong tỏa, vẫn còn hiện tượng người dân trong khu vực tụ tập quá 2 người; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung. Việc phát hiện nhiều ca Covid-19 khác trong khu phong tỏa, khu cách ly thời gian qua không loại trừ có lây nhiễm chéo tại đây. Cần phải siết chặt công tác quản lý phòng dịch tại các địa điểm này.
Thứ ba là quy trình xử lý ca F0 phát hiện trong cộng đồng chưa thông suốt. Thực tế cho thấy, có địa phương phát hiện được ca F0, nhưng gặp nhiều khó khăn khi liên hệ với cơ sở y tế để vận chuyển và tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị, để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng. Việc phải chờ đợi lâu khiến F0 cũng ảnh hưởng tâm lý; người dân xung quanh lo lắng. Đây là tồn tại nguy hiểm, phải hạn chế tối đa việc tương tự.
Thứ tư là vẫn còn thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận. Trong 7 ngày qua, xuất hiện rất nhiều thông tin trên các nền tảng mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật về tình hình dịch Covid-19 và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Những thông tin này khiến người dân lo lắng, thậm chí giảm niềm tin vào công cuộc phòng, chống dịch của thành phố. Việc xử lý người đưa tin thất thiệt, truy tìm nguồn phát tán thông tin xấu, độc chưa được triển khai kịp thời, đầy đủ.
Thứ năm là trong vài ngày đầu, sự chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đôi lúc còn lúng túng trước diễn biến nhanh của dịch bệnh. Đây là điều cần nhìn thẳng vào sự thật để sớm khắc phục.
5 việc cần triển khai ngay
Từ nay đến ngày 23-7, thời điểm kết thúc thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành của thành phố tập trung thực hiện các nội dung chính sau:
Thứ nhất là tăng cường năng lực xét nghiệm, tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Đây được coi là biện pháp chủ yếu nhằm sớm xác định và khoanh vùng xử lý các ca F0 tại cộng đồng. UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo mỗi quận, huyện, thành phố phải thành lập Tổ công tác chỉ đạo xét nghiệm do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND quản lý, chịu trách nhiệm phối hợp với các bên thực hiện hiệu quả công tác xét nghiệm khoanh vùng ca nhiễm hoặc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng với phương châm “rõ, chắc, nghiêm, nhanh”.
Thứ hai là thực hiện tốt công tác cách ly, điều trị, giảm tối đa lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa và giảm tối đa tử vong trong khâu điều trị.
Để giảm tối đa lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường lắp đặt camera giám sát trong khu vực này. Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh phải tăng cường nhân lực quản lý, giám sát trong các khu cách ly tập trung. Tại khu vực phong tỏa, phát huy tối đa vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng và lực lượng thanh niên xung phong tại địa phương để giám sát, nhắc nhở người dân tuân thủ các yêu cầu phòng dịch.
Các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho người dân vùng cách ly, phong tỏa, không để ai thiếu đói. Người dân phải được chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất. UBND thành phố Hồ Chí Minh giao cho Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng đặc trách công tác cung ứng hậu cần đầy đủ cho các khu vực nêu trên. Thực hiện bằng được mục tiêu đến ngày 23-7, có ít nhất 95% người dân trong diện được hưởng hỗ trợ an sinh xã hội nhận được tiền hỗ trợ.
Về giảm tử vong với các ca F0, ngành Y tế tổ chức tốt công tác phân loại bệnh nhân Covid-19, ưu tiên phát hiện sớm và điều trị kịp thời các ca Covid-19 diễn tiến nặng; tập trung nhân lực, vật lực tối đa cho công tác điều trị số bệnh nhân này. Ngày 15-7, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Trung tâm mua sắm thiết bị y tế; yêu cầu trung tâm bắt tay ngay vào việc, bảo đảm cung ứng vật tư y tế cho khám và chữa bệnh cho người dân.
Thứ ba là công tác bảo đảm an toàn sản xuất cho doanh nghiệp. Các đoàn công tác của quận, huyện, thành phố bám sát và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp để vừa phòng dịch Covid-19 hiệu quả, vừa sản xuất an toàn. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiên quyết dừng hoạt động các doanh nghiệp không bảo đảm an toàn khi sản xuất.
Thứ tư là tăng cường đấu tranh với các thông tin xấu độc trên các nền tảng truyền thông và tăng cường tuyên truyền về các mặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân thành phố. Trong số này, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu, gồm: Tuyên truyền tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố; phản bác các thông tin sai sự thật; tăng cường truyền thông kiến thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh cho người dân và tăng cường tuyên truyền các thông điệp tích cực về phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ năm là tổ chức thắng lợi đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần thứ năm tại thành phố Hồ Chí Minh, với việc trong 2-3 tuần sắp tới, tiêm được cho 930.000 người dân thành phố.
Để triển khai đợt tiêm chủng diện rộng, quy mô lớn lần này, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao toàn quyền cho UBND các quận, huyện, thành phố triển khai tiêm chủng đến tận xã, phường. Các địa phương phải thành lập Tổ chỉ đạo công tác tiêm chủng, do một đồng chí Thường trực UBND quận, huyện, thành phố phụ trách.
Các địa phương phối hợp với ngành Y tế tổ chức lực lượng chuyên biệt, không liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, để đặc trách công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân.
Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Chúng ta đặt quyết tâm sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phải tách được cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng; khống chế được những ổ dịch lớn; chặn đứt nguồn lây nhiễm, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Chúng ta có quyết tâm và niềm tin để thực hiện thành công mục tiêu này".
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.