Biểu tượng tinh thần yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 15/07/2021

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 71 năm, ngày 15-7-1950, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, khi kháng chiến thành công, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác”.

Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 3 liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên.

Thanh niên xung phong xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng phá đá, mở rộng đường qua núi, đảm bảo tiêu chuẩn cho xe vận tải qua lại an toàn. Ảnh: Bùi Tấn/TTXVN

Đầu tháng 8-1950, Đội Thanh niên xung phong công tác trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội Thanh niên xung phong công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”.

Từ khi thành lập tới nay, 4 câu thơ của Bác tặng Thanh niên xung phong: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên” đã trở thành lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng, hành động cho lực lượng Thanh niên xung phong nói riêng cũng như thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, góp phần viết nên những trang sử xanh nối tiếp bề dày truyền thống đóng góp cho Tổ quốc của tuổi trẻ.

Đội thanh niên chủ lực đảm bảo giao thông thành phố Vinh (Nghệ An) dũng cảm 45 ngày đêm liên tục vượt nhiều khó khăn để lấp hố bom, sửa đường cho xe đi. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN

Lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước

Ra đời trong kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng Thanh niên xung phong đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xung kích đi đầu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lao động quên mình, anh dũng hy sinh trong phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 5 vạn cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sĩ… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện sự chỉ đạo của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Đoàn Thanh niên, lực lượng Thanh niên xung phong được tổ chức lại, chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Gần 10 vạn cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, lao động quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế và thi đua tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch trong lao động sản xuất, công tác và học tập, cùng tuổi trẻ cả nước xây dựng hàng trăm công trình kinh tế - xã hội.

Những nhiệm vụ, công trình chiến lược, quan trọng đều có dấu ấn, sự đóng góp to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong, như: Mở đường chiến lược Lai Châu - Ma Lù Thàng (biên giới Việt - Trung) và khai thông mở dòng Nậm Na; tiếp quản Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng; khôi phục các tuyến đường sắt; tham gia xây dựng các công trình công nghiệp; đảm nhận xây dựng các công trình kinh tế lấy tên là Công trình thanh niên như: Xây dựng Nhà máy Cơ khí trung quy mô; lò cao Khu Gang thép Thái Nguyên; Thủy điện Thác Bà; các tuyến đường sắt: Đông Anh - Thái Nguyên, Thanh Hóa - Vinh; mở các tuyến đường giao thông: 12B Hòa Bình, Hà Giang - Đồng Văn; Đường 426B; Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm Điện Biên…

 Thanh niên xung phong thu hoạch lúa tại tỉnh Kiên Giang sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Trong giai đoạn 1955-1964, lực lượng Thanh niên xung phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần kiến thiết, xây dựng các công trình cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của Chủ nghĩa xã hội miền Bắc, làm nên một hậu phương lớn vững chắc đảm bảo sức người, sức của phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước. 87 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã hy sinh trên các công trường mở đường.

Khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, thực hiện lời hiệu triệu của Bác Hồ, Chỉ thị số 71/TTg-CN ngày 21-6-1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước phục vụ công tác giao thông vận tải và Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất ngày 26-3-1965 về tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, trên 28 vạn nam nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia, lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “ở đâu chiến trường cần là Thanh niên xung phong có mặt”, “ở đâu có giặc là Thanh niên xung phong xuất quân”.

10 trong số 12 cô gái Tiểu đội 4, Đại đội Thanh niên xung phong 552 đang san lấp hố bom này đã hy sinh anh dũng cuối năm 1968 khi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc, một trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của Mỹ ở Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN

Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước miền Bắc đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: Mở đường chiến lược; vận chuyển hậu cần; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 10 năm (từ 1965-1975), lực lượng Thanh niên xung phong đã đảm nhận 16 loại công việc khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 ngành: Giao thông vận tải, quốc phòng và lâm nghiệp.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Thanh niên xung phong chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh hăng hái lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 28-3-1976. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Viết tiếp lửa truyền thống  

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mở ra một trang sử mới. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến, lực lượng Thanh niên xung phong thi đua thực hiện các phong trào như: “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Thanh niên tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Với lực lượng trên 20 vạn người, Thanh niên xung phong các tỉnh, thành phố miền Nam, Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc đã lên đường có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất, những nơi bị chiến tranh tàn phá, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, để thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau chiến tranh, rà phá bom mìn, làm sạch môi trường, khai hoang, phục hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, phát triển giao thông, sắp xếp ổn định dân cư gắn với việc giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên và các đối tượng khác; làm nhiệm vụ công ích, giải quyết những vấn đề cấp bách khó khăn góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, tổ chức Thanh niên xung phong tiếp tục được củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với giai đoạn mới nhằm phát huy tinh thần xung phong tình nguyện của thanh niên tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng ở khu vực miền núi, biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; giữ gìn trật tự và hạn chế các tệ nạn xã hội ở đô thị.

Đoàn viên, thanh niên phối hợp với người dân chung tay xây dựng nông thôn mới đổ bê tông tuyến đường liên bản tại bản Phàng Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: Quý Trung/ TTXVN

Cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích thực hiện những nhiệm vụ chính trị khó khăn của các địa phương, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò của Đoàn Thanh niên, tiêu biểu như các chương trình: Xóa nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, phát triển thủy sản, trồng mới 5 triệu ha rừng, tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Trong những năm tháng đất nước gian nguy, hàng vạn Thanh niên xung phong Việt Nam đã sẵn sàng, tình nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cống hiến tuổi xuân, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Trong thời bình, các thế hệ cựu Thanh niên xung phong đã vượt qua khó khăn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, thắt chặt tình đồng đội. Trong đó, phải kể đến phong trào “Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội” do Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phát động, với nhiều nội dung, phương thức phong phú, đáp ứng nguyện vọng của cựu Thanh niên xung phong, đóng góp vào công tác xã hội và cải thiện đời sống gia đình hội viên.

Hưởng ứng phong trào, hàng vạn cựu Thanh niên xung phong trên cả nước đã triển khai học tập, xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế thành công, nhiều người tìm tòi, sáng tạo, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng. Họ tận dụng đất đai, nguồn vốn, sức lao động của con người để sản xuất, kinh doanh, bứt phá, lăn lộn với thương trường như trong chiến trường đánh Mỹ, đánh Pháp. Các cựu Thanh niên xung phong đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vật nuôi, cây trồng; phát triển sản xuất, kinh tế hàng hóa, dịch vụ, làm giàu cho bản thân và gia đình; đồng thời có điều kiện giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phát huy tinh thần lao động cần cù, vượt khó, dám nghĩ dám làm, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong vào ngày 15-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định về lịch sử, chiến công hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng: “Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của Thanh niên xung phong là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho Thanh niên xung phong lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”.

Nhân Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2020), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ và tri ân những cống hiến hy sinh to lớn của các thế hệ Thanh niên xung phong. Trong suốt chặng đường xây dựng và cống hiến, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Từ phong trào cách mạng này đã sản sinh nhiều tập thể, cá nhân anh hùng tiêu biểu của một thế hệ thanh niên anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Các bạn sinh viên trường Đại học Y Hà Nội hát vang bài "Tiến lên Việt Nam ơi" trên đường vào tâm dịch Bình Dương. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Với những đóng góp to lớn đó, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc của Đảng, Nhà nước trao tặng. Truyền thống cách mạng, phẩm chất của Thanh niên xung phong trong kháng chiến được phát huy, nuôi dưỡng đến hôm nay và là hình mẫu để thế hệ trẻ học hỏi, tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Hiền Hạnh/TTXVN