Phải vào cuộc thực chất

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 16/07/2021

(HNM) - Sau 3 năm liên tiếp xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năm 2020, Hà Nội đã lùi xuống vị trí thứ 8. Đây là thực tế đáng để suy nghĩ, nhất là khi nhiều nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần của thành phố Hà Nội chưa có sự cải thiện hoặc có cải thiện nhưng chưa mang lại kết quả cao như: Xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, thu ngân sách; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Trên thực tế, các hạn chế trên vốn là những vấn đề đã được chỉ ra từ nhiều năm trước, đòi hỏi sự vào cuộc thực chất hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước thành phố Hà Nội trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Trước hết, để cải thiện, nâng cao thứ hạng Chỉ số PAR Index và khắc phục những chỉ số thành phần bị mất điểm, chưa được cải thiện, việc đầu tiên các cấp, ngành, địa phương cần làm là tiếp tục nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị mình quản lý. Trong đó, lấy kết quả xếp hạng Chỉ số PAR Index của thành phố gắn với việc đánh giá thi đua - khen thưởng của cơ quan, đơn vị hằng năm.

Từ thành phố đến cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, sự phục vụ của các cơ quan hành chính trong việc cung cấp dịch vụ công; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp. Kịp thời công bố công khai và cập nhật thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thành phố và các cơ quan chức năng có giải pháp, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp tiếp công dân; đổi mới phương thức đánh giá gắn với hiệu quả công việc, qua đó khen thưởng, động viên kịp thời những gương điển hình tiên tiến, những cá nhân, tập thể có sáng kiến áp dụng hiệu quả trong công việc; xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử.

Đặc biệt, các cấp, ngành phải chú trọng hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân; thực hiện việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Cùng với sự không ngừng học hỏi nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, về phía người dân, ngoài chủ động nắm bắt kiến thức pháp luật cũng cần đẩy mạnh tìm hiểu, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; không tiếp tay cho “tham nhũng vặt” khi thực hiện các giao dịch hành chính. Sự vào cuộc thực chất của các bên liên quan sẽ nâng Chỉ số PAR Index của thành phố một cách bền vững.

Thế Đan