Ngành Tài chính tập trung thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Kinh tế - Ngày đăng : 14:37, 16/07/2021
Thu ngân sách đạt 58,2% dự toán
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách nhà nước ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; giải ngân vốn mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách Trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng cho hoạt động này và tính từ năm 2020 đến hết tháng 6-2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng qua, đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng...
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm có thặng dư; trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.
Để đạt các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đề ra trong năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã đặt ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Phát biểu tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, tổng số thu vào ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm thực hiện là 125.562 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán trung ương giao, bằng 107,7% so với cùng kỳ. Nếu tính cả 11.390 tỷ đồng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thì số thu thực hiện hết tháng 6-2021 là 136.952 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương thực hiện là 29.970 tỷ đồng, đạt 27,6% dự toán năm.
Hà Nội thực hiện tốt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất người nộp thuế đã nộp đơn đề nghị gia hạn khoảng 7.873 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2021, trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất. Cùng với đó, Hà Nội sẽ bảo đảm nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; tiếp tục rà soát tiết kiệm chi tiêu thường xuyên; xây dựng và triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đảm bảo đời sống cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19,...
Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương kết quả ngành Tài chính đã đạt được; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Tài chính và ngành Tài chính trong việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục tập trung chỉ đạo ngành tài chính thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao…