Sửa Luật Viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 17/07/2021
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Luật Viễn thông ra đời đã thúc đẩy thị trường viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đến nay, hạ tầng viễn thông được mở rộng (phủ sóng 99,81% dân số với 121.000 vị trí trạm thu phát sóng), hiện đại và phát triển với mạng 4G được nâng cấp, 5G đang được thử nghiệm thương mại; mạng cáp quang được phủ rộng khắp đến từng hộ gia đình (100% dân số)... Có thể nói với hệ thống hạ tầng băng rộng phủ khắp cả nước, tốc độ cao, ngành viễn thông đã sẵn sàng cho phát triển xã hội số, kinh tế số, công dân số.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, để phù hợp với sự phát triển các công nghệ mới, các nền tảng chuyển đổi số và thị trường mới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển thành hạ tầng số. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng sửa Luật Viễn thông. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề về hạ tầng, dịch vụ viễn thông, quản lý giá ở thị trường bán buôn, cấp phép... Việc này cũng nhằm phục vụ mục tiêu mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang...
Đồng tình với việc sửa đổi, đại diện các doanh nghiệp viễn thông đã có những góp ý cụ thể. Phó Trưởng ban Công nghệ và Quản lý mạng (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) Vũ Tuấn Trung đề xuất một số giải pháp về dùng chung hạ tầng mạng 5G. Theo đó, cơ quan nhà nước điều hành cấp phép phân chia khu vực theo hướng chỉ mở chuyển vùng (roaming) 5G tại các khu vực có lưu lượng không cao, dân thưa thớt để các nhà mạng triển khai cơ sở hạ tầng 5G bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như đẩy nhanh mở rộng vùng phủ sóng tại Việt Nam. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng ủng hộ phát triển hạ tầng viễn thông theo quy định; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Viễn thông công ích tăng cường đầu tư cho khu vực vùng sâu vùng xa.
Còn đại diện Ban Công nghệ (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT) Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về mối liên hệ giữa các doanh nghiệp hợp tác cung cấp dịch vụ viễn thông (gồm giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài) trên cơ sở các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời bảo vệ quyền lợi và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Luật sửa đổi cũng cần quy định việc chiếm hữu tài nguyên viễn thông tối đa của 1 doanh nghiệp để bảo đảm không làm mất cân bằng thị trường và khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, cần quy định các điều kiện cấp phép cung cấp những dịch vụ viễn thông có khả năng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia...
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, để đưa hạ tầng số trở thành hạ tầng thiết yếu của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của kỷ nguyên mới. Trong đó, xây dựng chiến lược quy hoạch cấp quốc gia đối với nền tảng lõi của hạ tầng số, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giúp các doanh nghiệp có định hướng, cùng hợp tác phát triển…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu, quy định cụ thể trong Luật Viễn thông về vấn đề chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hóa (kể cả cáp truyền hình), xử lý triệt để rác viễn thông. Cơ quan soạn thảo sẽ xây dựng các quy định để thúc đẩy phát triển các thị trường mới; thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông mới; bổ sung chính sách quản lý kết nối, quản lý việc thiết lập hạ tầng đám mây... bảo đảm hạ tầng viễn thông đi trước một bước là nền tảng cho nền kinh tế số. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung và phân loại dịch vụ viễn thông phù hợp, thúc đẩy sáng tạo phát triển các dịch vụ mới trên nền tảng 4G, 5G, tắt sóng công nghệ cũ...
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông và đang gửi lấy ý kiến các đơn vị trong ngành và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.