Kashiwanoha - thành phố thông minh kiểu mẫu

Chuyện đó đây - Ngày đăng : 07:55, 18/07/2021

(HNNN) - Kashiwanoha (tỉnh Chiba) là thành phố đầu tiên của Nhật Bản, 1 trong 10 thành phố trên thế giới được trao chứng nhận cấp độ bạch kim, cấp độ cao nhất cho các công trình xây dựng xanh, do Hội đồng Xây dựng Xanh của Mỹ cấp. Kashiwanoha được coi là kiểu mẫu thành phố thông minh về “xã hội tương lai 5.0”.

Thành phố thông minh Kashiwanoha.

Ông Takuya Nagai, Quản lý dự án “Thành phố thông minh, phát triển xã hội 5.0” của Kashiwanoha, cho biết: Thành phố thông minh Kashiwanoha được triển khai xây dựng từ năm 2001 bằng sự hợp tác công - tư giữa chính quyền tỉnh Chiba với Công ty bất động sản Mitsui. Theo sáng kiến (chương trình xây dựng) “siêu thành phố” của Nhật Bản, Kashiwanoha tập trung xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và ứng phó thiên tai, hướng tới mục tiêu trở thành mô hình mang tầm vóc quốc tế, một kiểu mẫu về đô thị năng lượng, thân thiện với môi trường.

Trong 4 năm đầu, công việc chủ yếu là quy hoạch và xử lý nền móng để biến một khu đất hoang và sân golf có diện tích 273ha thành mặt bằng “sạch”, chuẩn bị cho công việc xây dựng tiếp theo. Việc khánh thành nhà ga tàu điện năm 2005 đã mở thông đường tàu điện chạy tới trung tâm thủ đô Tokyo chỉ mất 30 phút, tới 2 sân bay quốc tế Narita và Handena chỉ mất khoảng 1 giờ. Trong 10 năm tiếp theo, các khu nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn... được hình thành, diện mạo thành phố mới đã hiện rõ. Công trình mang tính cách mạng nhất là Nhà máy điện với hệ thống pin lithium-ion lớn, những máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời và khí; còn lưới điện thông minh được giám sát bởi trung tâm thông minh. Nhờ thế, mức tiêu thụ điện năng giờ cao điểm giảm hơn 1/4; còn trong trường hợp thiếu điện trên diện rộng thì riêng thành phố có thể tự chủ về điện trong 3 ngày.

Trong năm 2016, Kashiwanoha được Hội đồng Xây dựng Xanh của Mỹ cấp chứng nhận LEED - cấp độ bạch kim - là cấp độ cao nhất về chứng nhận cho công trình xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và tạo ra một môi trường xanh như tăng hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải, nâng cao chất lượng môi trường sống, tăng khả năng thích ứng của công trình với sự thay đổi của môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo một cách tối ưu. Cụ thể, Thành phố thông minh Kashiwanoha được đánh giá là đô thị kiểu mẫu, đạt 4 tiêu chuẩn: AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet of Things - Internet vạn vật), Smart Health (Sức khỏe thông minh) và Life Sciences (Khoa học sự sống). Đây là thành phố đầu tiên của Nhật Bản và là 1 trong 10 thành phố trên thế giới được trao chứng nhận cấp độ bạch kim. Do không có tiếng ồn, không kẹt xe, không khói bụi nên môi trường ở đây trong lành, rất tốt cho sức khỏe.

Đến tháng 7-2021, Thành phố thông minh Kashiwanoha có hơn 9.000 cư dân, cùng với đó là hàng chục nghìn người vào ra thành phố mỗi ngày. Công việc và cuộc sống của mọi người tại đây trở nên dễ dàng hơn nhờ việc sử dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn kết hợp với công nghệ tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực. Thành phố khuyến khích các hoạt động sáng tạo, các ý tưởng sáng tạo bằng cách mở một khu vực văn phòng làm việc chung cho các doanh nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, một khu giới thiệu các giải pháp mới về dịch vụ cơ sở hạ tầng của thành phố, về phân phối và bán lẻ, về chăm sóc sức khỏe cũng ra đời. Một số giải pháp tiêu biểu là: Thanh toán tiền bằng dấu vân tay khi mua hàng; tự động phiên dịch đa ngôn ngữ qua giọng nói; tự động tư vấn cách tiết kiệm năng lượng...

Tuy còn non trẻ nhưng Thành phố thông minh Kashiwanoha đã có 2 trường đại học, 2 bệnh viện, 1 cơ sở y tế dự phòng được đầu tư bài bản, trong tương lai gần sẽ vươn tới đẳng cấp quốc tế. Dự kiến, đến năm 2030, thành phố sẽ được mở rộng lên quy mô 300ha với 26.000 cư dân, trong đó có 15.000 lao động. Lãnh đạo thành phố và các chủ đầu tư đã thống nhất, thông qua 3 khái niệm phát triển thành phố là: Cộng sinh môi trường, sức khỏe - tuổi thọ, và sáng tạo công nghệ mới. Tại Kashiwanoha, sự hợp tác giữa cư dân và mọi người trong các lĩnh vực khác nhau đã, đang và sẽ luôn được đề cao, làm nền tảng cho sự gắn kết cộng đồng. Việc duy trì sự hợp tác sẽ giúp cho việc xây dựng thành phố trở thành một hình mẫu giải quyết thách thức mà các đô thị hiện đại đang gặp phải.

Giáo sư, Tiến sĩ Deguchi Atsushi (Trường Đại học Tokyo) nhận định: Sau 10 năm nữa, Kashiwanoha vẫn sẽ duy trì vị thế dẫn đầu của mình, hiện thực hóa ý tưởng cốt lõi của thành phố thông minh là “lấy con người làm trung tâm”. Tại đây đã hiển hiện và sẽ càng nâng cao những điều mà mọi người trên thế giới đều mong muốn là: Nâng cao chất lượng cuộc sống, tiến tới một xã hội bền vững bằng cách cải thiện các giá trị xã hội, môi trường và kinh tế. Để trở thành kiểu mẫu thành phố thông minh về một xã hội tương lai 5.0, Kashiwanoha sẽ không chỉ luôn “giới thiệu công nghệ mới nhất” mà còn tạo ra các điều kiện đảm bảo cho cư dân có thể làm chủ công nghệ để “xây dựng một nơi mà mọi người đều có thể cảm thấy hạnh phúc”.

Nhật Trình