Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Vấn đề được ưu tiên hàng đầu
Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 18/07/2021
Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, Mỹ đã trở thành cường quốc hàng đầu về tiềm lực kinh tế, quân sự và chính trị trên thế giới. Để đạt được điều này, Mỹ đã xác định trọng tâm của mọi chiến lược là phát triển nguồn nhân lực.
Nhiều năm qua, Chính phủ Mỹ đặc biệt coi trọng giáo dục đại học và bồi dưỡng phát triển nhân tài. Thậm chí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài được thực hiện một cách có hệ thống và được luật hóa. Năm 1958, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Giáo dục quốc phòng về hỗ trợ ngân sách nhà nước nhằm đẩy mạnh đào tạo sinh viên các ngành nghiên cứu cơ bản, phát hiện và phát triển nhân tài, trong đó có khẳng định: “Không một sinh viên tài năng nào phải từ chối tiếp nhận học vấn đại học chỉ vì thiếu tiền cho chi phí học tập”. Đến năm 1972, Mỹ thông qua Luật Giáo dục đại học để phát triển lực lượng lao động trình độ cao và phát triển nhân tài.
Tại Mỹ, một trong những biện pháp thường được áp dụng để phát hiện tài năng trẻ là sử dụng bộ trắc nghiệm để đo chỉ số phát triển trí tuệ (IQ) của học sinh. Đến bậc học phổ thông, việc phát hiện, tuyển chọn các học sinh năng khiếu thông qua các hình thức biểu diễn, thi đấu, thi viết, thi diễn thuyết... được tổ chức hằng năm, qua đó lựa chọn những em có năng khiếu để có những hình thức giáo dục phù hợp.
Để có thêm các nguồn thông tin từ xã hội đối với việc phát hiện tài năng, Chính phủ Mỹ đã thành lập các trung tâm trưng cầu ý kiến để tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao và thực hiện tổ chức thi cử rất nghiêm ngặt, tuyệt đối loại trừ các hành vi gian lận. Với hơn 4.200 trường đại học, cao đẳng, Mỹ đảm bảo cho mọi người dân có nhu cầu đều có thể tham gia vào các chương trình đào tạo cao đẳng, đại học, và hiện ở Mỹ có khoảng 78% dân số tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Trong giáo dục đại học ở Mỹ, tính cạnh tranh giữa các trường rất cao. Các trường đại học tự khẳng định danh tiếng bằng chính chất lượng giảng dạy và tự xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Nếu sinh viên vào được các trường đại học tốt, nổi tiếng và học giỏi, cơ hội có việc làm sẽ tăng lên rất nhiều. Cùng với việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đào tạo nhân lực thì Mỹ còn huy động được nhiều nguồn lực khác trong xã hội. Các công ty ở Mỹ cũng rất chú ý phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân công. Đặc biệt, phương pháp tuyển chọn vị trí việc làm quan trọng thường được tổ chức thông qua các cuộc thi công khai, dân chủ và tạo môi trường cạnh tranh để lựa chọn được người thật sự tài năng mà không phân biệt thành phần xuất thân, giới tính, tín ngưỡng hay đảng phái chính trị.
Bên cạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ Mỹ còn chú trọng chính sách thu hút nhân tài - ngay từ những năm 1960 đã thu hút khoảng 15.000 bác sĩ, 13.000 kỹ sư, 5.500 nhà khoa học tự nhiên đến từ các quốc gia châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh. Hằng năm, Mỹ đều triển khai chính sách cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc đến học tập, nghiên cứu, đồng thời trả lương cao để thu hút nhân tài trên toàn thế giới đến Mỹ làm việc.
Tại Đức, từ lâu các nhà lãnh đạo nước này đã xác định “chỉ có những người được giáo dục và đào tạo tốt mới đưa nước Đức vào vị trí hàng đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu”. Nói một cách khác, giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa cho tương lai của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông thường, việc phân luồng sớm học sinh phổ thông được thực hiện ngay từ cấp trung học cơ sở nhằm xác định khả năng, học lực và xu hướng nghề nghiệp. Sự gắn kết giữa đào tạo nhân lực với phát triển kinh tế, nhu cầu của thị trường lao động ở Đức cũng rất chặt chẽ. Nhu cầu lao động của các công ty được đáp ứng một cách phù hợp thông qua việc ký hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng nghề với học sinh, người lao động. Kế hoạch triển khai đào tạo nghề do các bang, các địa phương xác định tùy thuộc vào sự phát triển của cơ cấu kinh tế, thị tường lao động. Phục vụ cho chức năng hoạt động của hệ thống, ở Đức có một cơ sở hạ tầng thông tin bao quát trên diện rộng về các lĩnh vực ngành nghề.
Trong hệ thống các trường đại học của Đức có hai loại trường tạo thành hai trụ cột phân biệt nhau là trường đại học khoa học hay đại học nghiên cứu và trường đại học thực hành. Các trường đại học thực hành có đặc trưng là gắn liền với thực tiễn, thời gian đào tạo chỉ 3 - 4 năm, nghiên cứu ở các trường này đóng vai trò ít hơn và chỉ giới hạn ở những nghiên cứu và triển khai theo hướng ứng dụng. Chính phủ Đức cũng huy động sự tham gia tích cực và hiệu quả của các lực lượng xã hội vào đào tạo nhân lực. Các nhà máy, doanh nghiệp tự nguyện tham gia đào tạo nghề trong hệ thống song hành. Các xí nghiệp tư nhân cũng như các cơ quan, tổ chức tham gia đào tạo ngoài xí nghiệp được thực hiện rộng rãi việc đào tạo nghề nhưng phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước về dạy nghề.
Ngoài Mỹ, Đức, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều xây dựng được một chiến lược xây dựng nguồn nhân lực phù hợp, góp phần không nhỏ vào tốc độ phát triển đất nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt, phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một môi trường chính trị - xã hội ổn định.