“Bàn đạp” để bứt phá

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 19/07/2021

(HNM) - Dù phải liên tiếp đối diện với những “lớp sóng” dữ của đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp của Hà Nội vẫn nỗ lực tìm cơ hội và chủ động nắm bắt. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 của thành phố vẫn rất ấn tượng với mức tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng mừng là đến thời điểm này, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố đều đã bằng hoặc lấy lại được đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, khu vực Đông Nam Á... vẫn được duy trì, lượng hàng hóa nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Về tổng thể, thực tế này được nhìn nhận trên 2 khía cạnh khách quan và chủ quan. Trong đó, yếu tố khách quan là nhu cầu hàng hóa ở nhiều nước trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi; giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra nhiều cơ hội...

Yếu tố khách quan là quan trọng, nhưng dấu ấn chủ quan mới mang tính quyết định. Đó là việc các cấp, các ngành của thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để kích thích, hỗ trợ sản xuất phát triển như: Việc cải cách thủ tục hành chính ngày càng thực chất; hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; việc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc nên không đứt gãy chuỗi sản xuất... Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn các điều kiện khắt khe của đối tác...

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bao trùm toàn cầu thì chống chọi, thích ứng để vượt qua khó khăn là lựa chọn duy nhất lúc này. Đặc biệt, khi các tỉnh, thành phố phía Nam đang bị bao vây bởi dịch Covid-19, thì Hà Nội càng phải giữ vững vai trò là một trong những đầu tàu của cả nước để cùng cả nước vượt qua thử thách lớn.

Theo đó, điều ưu tiên số 1 hiện nay là hệ thống chính trị thành phố phải bảo vệ, đặt doanh nghiệp trong môi trường an toàn với dịch bệnh. Các cấp, các ngành nên sát sao, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, dành nguồn lực thỏa đáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Cộng đồng doanh nghiệp đang xoay vần với rất nhiều mối lo, các cấp, ngành nên có giải pháp hỗ trợ để khơi thông nguồn vốn cũng như vật tư, nguyên vật liệu để sản xuất không bị đình trệ. Song song đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến, con đường ngoại giao...) để doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tuy đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhưng để tạo làn sóng mạnh mẽ, việc tuyên truyền, phổ biến vẫn cần được chú trọng để doanh nghiệp áp dụng. Cùng với đó là làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cập nhật và thông tin kịp thời tình hình các thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh.

Và cùng với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành thành phố, mỗi doanh nghiệp cần lên kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống để có phương án đối phó sớm với dịch bệnh. Điều cần lưu ý thêm là, ngoài việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, cộng đồng doanh nghiệp phải kiên định giữ cho được chữ tín và tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Dịch Covid-19 còn tiếp diễn khó lường, nhưng những chuyển động tích cực trong xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm sẽ là “bàn đạp” để thành phố bứt phá trong thời gian tới; từ đó, sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Thiện Mỹ