Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm mạng

Pháp luật - Ngày đăng : 07:17, 19/07/2021

(HNM) - Tội phạm hoạt động trên không gian mạng internet (tội phạm mạng) thường không xuất đầu lộ diện, có thủ đoạn phạm tội rất tinh vi và gây nguy hiểm không nhỏ cho an ninh xã hội. Trong bối cảnh công nghệ cao phát triển, việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm mạng được Công an thành phố Hà Nội đẩy mạnh.

Biển cảnh báo tới người dân của Công an quận Hoàn Kiếm đặt tại phòng giao dịch của một ngân hàng về thủ đoạn phạm tội qua không gian mạng.

Thủ đoạn tinh vi

Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, diễn biến tội phạm trên không gian mạng thời gian qua rất phức tạp, nổi lên là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chủ yếu là giả danh các cơ quan thực thi pháp luật, giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp để đánh cắp dữ liệu cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi. Trong đó, nhiều vụ việc đã xảy ra ở Hà Nội.

Anh Hoàng Ngọc Nam (ở phố Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cho biết: "Gần đây, tôi hay nhận được thư điện tử, thậm chí có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an thông báo xe ô tô bị “phạt nguội”, yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Tôi biết một số bạn bè đã bị lừa với hành vi tương tự”.

Về việc này, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, thời gian qua, một số người dân nhận được các cuộc điện thoại, thư điện tử tự xưng là cảnh sát giao thông, thông báo việc “phạt nguội” do vi phạm giao thông. Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được thì cung cấp số căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… Tiếp đó, chúng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản hoặc cung cấp mã xác thực với ngân hàng, từ đó chiếm đoạt tiền.

Đối tượng Trần Đạo Nghĩa (ở tỉnh Quảng Trị) bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ gần đây đã khai nhận lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của khoảng 4.000 người. Thủ đoạn của đối tượng là chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook cá nhân, gửi tin nhắn cho bạn bè của chủ tài khoản với nội dung nhờ nhận tiền giúp; tự xưng là nhân viên ngân hàng, hướng dẫn nạn nhân truy cập vào đường link (kết nối) có sẵn rồi điền tài khoản ngân hàng, mã truy cập... để nhận tiền. Nạn nhân làm theo là bị rút mất tiền.

Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho hay, đầu tháng 7-2021 đơn vị đã bắt giữ Quách Văn Hải, Trịnh Hải Nam, cùng trú tại huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) vì lừa đảo trên mạng. “Các đối tượng tải hình ảnh lan đột biến rồi đăng lên trang mạng xã hội cá nhân, rao bán. Với thủ đoạn này, 2 đối tượng đã lừa đảo nhiều khách hàng, trong đó có nạn nhân đã đặt gần 1 tỷ đồng để mua 21 cây lan đột biến ảo”, Đại tá Nguyễn Bình thông tin.

Giữ cho không gian mạng an toàn

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mạng, các lực lượng của Công an thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn cho không gian mạng.

Theo Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội), Công an thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố, các đơn vị quản lý dịch vụ mạng, dịch vụ máy chủ, tên miền... tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn các địa chỉ thường xuyên gửi thư điện tử “rác”. Công an cũng đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức gửi cảnh báo đến điện thoại cá nhân về thủ đoạn phạm tội để người dân phòng ngừa; yêu cầu không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo. Trong trường hợp có dấu hiệu bị tống tiền, đề nghị cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, tuyệt đối không tự ý chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng…

Đại tá Nguyễn Thành Long, Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cũng khuyến cáo, để tránh bị tội phạm tiếp cận trên không gian mạng, người sử dụng mạng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu thư điện tử, trang cá nhân; sử dụng bảo mật hai lớp, đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký đối với tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống, không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. “Khi có người thân, bạn bè nhờ nhận, chuyển hoặc vay tiền qua mạng xã hội phải kiểm tra qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video call, xác minh thông tin bằng các chi tiết chỉ hai người biết”, Đại tá Nguyễn Thành Long lưu ý.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy cho biết, trên địa bàn có nhiều phòng giao dịch ngân hàng. Tại những địa điểm này, Công an phường đều đặt cảnh báo người dân về những giao dịch bất thường qua không gian mạng, như việc nhận hàng được cho tặng mà đầu dây bên kia yêu cầu gửi mã tài khoản, hay các cuộc điện thoại tự xưng là công an, cơ quan tư pháp yêu cầu chuyển tiền…

Cùng với các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, việc mỗi cá nhân chủ động đề cao cảnh giác sẽ góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động trên không gian mạng.

Chu Dũng