Hà Nội nhân rộng mô hình sản xuất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Nông nghiệp - Ngày đăng : 19:14, 19/07/2021
Lúa sạch, rau ngon, quả an toàn
Anh Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, kể từ khi có các khóa tập huấn về hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), 494ha đất nông nghiệp của xã..., hầu như không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Chưa bao giờ địa phương xảy ra mất mùa trên diện rộng, nhiều vụ đạt trên 60 tạ/ha, vụ xuân 2021 đạt 68 tạ/ha...
Tương tự, anh Nguyễn Duy Miên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Hương (Chương Mỹ) cho biết, xã sản xuất thường xuyên hơn 300ha lúa và 50ha rau. Những năm gần đây, bà con nông dân đã được tuyên truyền nhiều về tổ chức sản xuất, kỹ thuật làm rau an toàn, VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, sau giai đoạn 2009-2011, Thụy Hương được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã điểm thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, mỗi năm địa phương mở 5-7 lớp học IPM nên nông dân ở đây thuộc lòng cơ chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng...
Chị Nguyễn Thị Tâm, cán bộ trồng trọt - bảo vệ thực vật xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) có nhiệm vụ điều tra sâu bệnh hại, hằng tuần có 2 buổi giao ban với hợp tác xã. Chị cho hay, trước đây, người dân thấy ruộng rau có một con sâu cũng đeo bình đi phun, giờ phải tính xem nó có đến ngưỡng gây hại về kinh tế hay chưa... Trồng bằng phương pháp che phủ lưới kín thì hoàn toàn không phun thuốc.
Không chỉ trên cây lúa, cây rau, các vùng cây ăn quả của Hà Nội cũng đang hướng tới vùng cây ăn quả hữu cơ, nói "không" với thuốc bảo vệ thực vật. Ông bà Nguyễn Đức Thọ - Nguyễn Thị Huê (ở khu Tân Mai, thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ) có 1ha vườn trồng 400 gốc bưởi Diễn, 50 gốc bưởi đỏ Tân Lạc cho biết, để chất lượng bưởi ngon, an toàn, nông dân ở đây trồng bưởi chỉ diệt ruồi vàng bằng bẫy dính, xử lý nấm thân bằng phun kali cộng đạm; bón phân hữu cơ trộn với EM, đậu tương, cá ngâm men vi sinh...
Chị Phí Thị Thảo, cán bộ trồng trọt - bảo vệ thực vật ở thị trấn Xuân Mai cho hay, ngoài 50ha cây ăn quả thì địa phương còn hơn 130ha lúa. Hơn 10 năm nay, diện tích này hầu như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật và thị trấn cũng không có cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật.
Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, nông dân đã "bỏ" thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu bệnh chưa tới ngưỡng gây hại trên cây trồng. Theo anh Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Phú Xuyên, huyện có 27 xã, thị trấn với 6.800ha lúa, hơn 300ha rau, nhưng mấy năm nay, nông dân hầu như không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng của toàn huyện Phú Xuyên năm 2020 chỉ là 0,26kg/ha/năm.
Nhân rộng vùng sản xuất sạch
Về mô hình này, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, năm 2020, lượng thuốc bảo vệ thực vật nông dân Hà Nội sử dụng là 239 tấn/năm, tức trung bình 1,5kg/ha/năm, trong đó có những huyện rất thấp như: Phú Xuyên 0,26kg/ha/năm, Chương Mỹ 0,3kg/ha/năm, Ứng Hòa 0,3kg/ha/năm... Có được thành quả đó là nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân.
Tính riêng trong 5 năm qua, Hà Nội đã tổ chức 1.139 lớp tập huấn về IPM rau cho 34.170 nông dân, qua đó, 100% nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền tới 50.000 nông dân khác; 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 49.500 người, trong đó, 100% số người được tập huấn nắm rõ quy định về an toàn thực phẩm; triển khai, thực hiện hơn 500 thử nghiệm kỹ thuật mới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, như: Che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để nhân rộng vùng sản xuất không thuốc bảo vệ thực vật, đối với cây lúa, ngành Nông nghiệp chỉ đạo trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các quận, huyện, thị xã cần thực hiện đồng bộ các khâu, như chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo SRI mạ non/thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối...
Đối với cây ăn quả, thu hoạch xong cần vệ sinh, cắt cành, tỉa tán, bón phân cân đối, chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục kết hợp vôi, lân chứ không lạm dụng phân hóa học.
Đối với cây rau, nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, sử dụng bẫy bả, bẫy dính để loại trừ sâu hại...