Chung sức để bứt phá

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 20/07/2021

(HNM) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là sự đột phá, mũi nhọn cần được tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Nhờ đó, AI đã có bước phát triển mạnh mẽ, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và mang lại những hiệu quả nhất định. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính AI đã có những đóng góp quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng, chống dịch thông qua các ứng dụng thiết thực...

AI được xem là một lĩnh vực quan trọng, góp phần tạo bước phát triển mạnh mẽ về năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Mấu chốt để phát triển AI thành công là hạ tầng dữ liệu và tính toán bởi 80% công việc trong các ứng dụng AI là xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hạ tầng dữ liệu và tính toán mới chỉ ở mức sơ khai, chưa có kho cơ sở dữ liệu dùng chung lớn; nguồn dữ liệu phân tán ở các ngành, lĩnh vực và chưa có sự kết nối, chia sẻ hiệu quả. Đây là hạn chế và thách thức rất lớn để nước ta có thể tạo ra bước đột phá trong phát triển AI.

Trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI; đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra trong chiến lược; sớm xây dựng và hình thành hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI bởi đây chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển của AI tại nước ta.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc liên kết, chia sẻ, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc các bên cùng có lợi, tạo động lực để chia sẻ, cũng như phân quyền được truy cập dữ liệu, tránh để lộ, lọt thông tin dữ liệu có tính riêng tư của cá nhân hay tổ chức.

Song song với các giải pháp trên, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về AI; có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy các tập đoàn công nghệ trong nước đầu tư xây dựng viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chất lượng cao về AI, cũng như kết nối được các trí thức về AI ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó là quan tâm đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu; chú trọng tới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được sự phát triển của AI; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và Nhà nước nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Bản chất của AI là phát triển một xã hội an toàn, văn minh, cần sự chung tay góp sức cho công nghệ AI phát triển ở mọi ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước. Từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần thay đổi thói quen, luôn luôn làm việc hệ thống, có dữ liệu ban đầu và cập nhật liên tục, góp từ những việc nhỏ vào phát triển AI… Khi tất cả cùng chung sức, đây sẽ là “chìa khóa” để công nghệ AI của nước ta bứt phá, phát triển nhanh hơn, bắt kịp với các nước phát triển, sớm trở thành “điểm sáng” trong khu vực và trên thế giới.

Quỳnh Anh