Bài cuối: Động lực quan trọng cho phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 20/07/2021
Nắm bắt cơ hội từ bối cảnh mới
Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của thành phố Hà Nội trong năm 2021.
Nhận định về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu… sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác có sức tiêu thụ lớn với thuế quan ưu đãi.
Thông tin thêm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, giá hàng hóa xuất khẩu đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Hà Nội. Bên cạnh đó, Mỹ và các nước châu Âu đang dỡ bỏ dần biện pháp phong tỏa, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại… Hà Nội phải tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng có thế mạnh, gia tăng giá trị kim ngạch.
Tuy nhiên, cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Trong tình hình đó, việc bảo vệ các khu công nghiệp là vấn đề mấu chốt. Vì vậy, ngày 12-7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Phương án số 162/PA-UBND về phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, phương án đã phân loại tình huống phòng dịch khi chưa có ca bệnh và khi có ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
“Về phía doanh nghiệp, phải chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sản xuất, cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội từ bối cảnh mới”, bà Trần Thị Phương Lan nói.
Trong khi đó, Trưởng phòng Xuất khẩu (Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông) Nguyễn Đoàn Thanh cho hay, công ty đã và đang thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn dịch xâm nhập vào công ty. Đây là yếu tố sống còn hiện nay để duy trì sản xuất, thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu.
Tạo đà cho giai đoạn tiếp theo
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), xuất khẩu tăng là dấu hiệu đáng mừng, khẳng định vai trò là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. “Thời gian tới, thành phố Hà Nội phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tạo ra các mặt hàng có giá trị thuần Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới. Về phía các cơ quan chức năng, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng những thủ tục kinh doanh thuận lợi hơn, với chi phí thấp hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước cần hướng tới hiệu quả và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu; bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành Công Thương Hà Nội sẽ thường xuyên cập nhật tình hình thị trường ngoài nước, theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và chính sách ứng phó của các quốc gia để có biện pháp thích hợp trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương phổ biến nội dung các hiệp định thương mại tự do đến các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tăng cường xuất khẩu.
“Đồng thời, thành phố đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo ra nguồn hàng ổn định, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; kịp thời phát hiện và có biện pháp đối phó với rào cản kỹ thuật thương mại”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), các công ty thương mại điện tử toàn cầu đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn miễn phí, giúp doanh nghiệp có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử.
Về phía doanh nghiệp, theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, ngoài chủ động xúc tiến mở rộng thị trường thì việc đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu là giải pháp quan trọng để thâm nhập thị trường lớn, khó tính và gia tăng lượng hàng hóa bền vững.
Bằng các giải pháp đồng bộ, xuất khẩu được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 và trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế của Thủ đô.