Hai mảng màu của bức tranh doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:46, 20/07/2021

(HNM) - Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy sự đối lập về diễn biến, với cả hai gam màu sáng và tối. Trên thực tế, số doanh nghiệp ra đời và số vốn đăng ký đạt khá trong khi số đơn vị ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường cũng không nhỏ.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận “một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2021 có 67.083 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, có 26.142 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, thể hiện khát vọng khởi nghiệp bất chấp hoàn cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề. 

Một điểm đáng chú ý là, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm ngoái, như: Bắc Giang (tăng 11,82%), thành phố Hồ Chí Minh (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)...

Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095.163 tỷ đồng (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020). Đây cũng là mức vốn đăng ký mới cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, có 23.708 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2020), với số vốn tăng thêm đạt 1.152.515 tỷ đồng (tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020). 

Rõ ràng, những thông tin trên mang tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm 2020. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, đến ngày 15-6-2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). 

Ngược lại, cũng trong 6 tháng qua, có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2016-2021 thì tỷ lệ này cơ bản không có sự thay đổi lớn (tỷ lệ trung bình giai đoạn 2016-2021 là 24,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất. Điều này phản ánh sự thanh lọc mạnh mẽ của thị trường đang diễn ra.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn cho biết, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường là những đơn vị mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ nên sức chống chịu thấp. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và là đối tượng liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn thường chọn cách tạm ngừng kinh doanh để cầm cự, kéo dài thời gian tồn tại và tìm cách quay lại thị trường khi có cơ hội.

Trong khi đó, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, doanh nghiệp gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường là điều bình thường, theo quy luật đào thải, chọn lọc và không có gì quá lo ngại. Ngoài ra, điều này càng dễ hiểu trong tình cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất tiêu cực đối với hoạt động của doanh nghiệp, đẩy nhiều đơn vị ra ngoài chuỗi sản xuất - cung ứng hoặc thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Trong khi đó, sức mua của thị trường lại trầm lắng... 

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang chứng tỏ kinh nghiệm và sự quyết tâm, vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất. Đó là tiền đề thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2021.

Hồng Sơn