Ngân hàng tăng nguồn vốn cho vay trung - dài hạn
Tài chính - Ngày đăng : 06:23, 20/07/2021
Tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu...
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) thông báo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 80% trong năm 2021.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng. Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng bằng phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.
Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) đã hoàn tất việc phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 40%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 11.094 tỷ đồng lên 15.551 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10%. Vốn điều lệ của SHB sau khi chia cổ tức đã tăng lên 19.260 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) tăng vốn tối đa thêm hơn 2.697 tỷ đồng đưa tổng vốn điều lệ của ngân hàng này lên gần 14.785 tỷ đồng…
Để có thêm nguồn vốn trung - dài hạn, các ngân hàng còn “đua nhau” phát hành trái phiếu. Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã thông tin phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 8-10 năm để tăng vốn, lãi suất dao động 6,48-6,7%/năm. TPBank có 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, lãi suất 3-4,1%/năm. SHB cũng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm cho hai công ty chứng khoán với lãi suất cố định 3,8%/năm…
Vì sao ngân hàng “ồ ạt“ tăng vốn trung - dài hạn?
Nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng “ồ ạt” tăng vốn không chỉ để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuẩn an toàn vốn, mà còn nhằm mục tiêu chính là bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư chiều sâu cho chiến lược phát triển. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hiện tại và sau dịch sẽ rất cao nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh, xử lý thanh khoản, trả lương, thuê mặt bằng, trả tiền hàng cho nhà cung cấp… Do đó, ngân hàng phải lên kế hoạch đón đầu. Ngoài ra, cũng chính vì ảnh hưởng của dịch bệnh với hoạt động kinh tế - xã hội, nên việc tăng vốn điều lệ cũng giúp ngân hàng tăng thêm dự trữ, dự phòng rủi ro nợ xấu gia tăng.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng có trường vốn, thì khả năng hỗ trợ cho nền kinh tế càng gia tăng, nhất là với tình hình dịch Covid-19 khó lường. Việc ngân hàng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn chính là cách để giảm bớt rủi ro có thể gặp phải trong hoạt động tín dụng, trong bối cảnh các khách hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Xây dựng và nội thất Quỳnh Chi (quận Hoàng Mai) cho biết, hơn 1 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của ngân hàng, với nguồn vốn giá rẻ cho trung - dài hạn thay vì khoản vay hỗ trợ chỉ trong ngắn hạn.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng bày tỏ mong muốn được vay vốn trung - dài hạn với lãi suất thấp, vì thực tế hiện nay, lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng phổ biến trong thời hạn 1-6 tháng. Theo đại diện Công ty Eliss (quận Thanh Xuân), nếu có nguồn vốn giá rẻ trung - dài hạn, doanh nghiệp sẽ không phải lo ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất sau thời gian ngắn.
Về phía ngân hàng, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết, ngân hàng tăng vốn điều lệ hay phát hành trái phiếu chủ yếu là để bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi. Quan trọng hơn, việc đẩy mạnh huy động vốn trung - dài hạn trong thời điểm này sẽ giúp các ngân hàng có được nguồn vốn rẻ để hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn kéo dài và nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Đại diện các ngân hàng cũng khẳng định, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hơn, nhất là đẩy mạnh đưa nguồn vốn trung - dài hạn vào nền kinh tế. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích, ủng hộ các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, với các sản phẩm cho vay trung - dài hạn, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh.