Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xét tốt nghiệp đặc cách cho 3.234 thí sinh

Tuyển sinh - Ngày đăng : 16:35, 21/07/2021

(HNMO) - Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 6, 7-8, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách tốt nghiệp cho 3.234 thí sinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều 21-7, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vừa ký Tờ trình số 2100/TTr-SGDĐT gửi UBND thành phố về việc đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 cho các thí sinh đủ điều kiện thi đợt 2.

Theo tờ trình trên, thành phố đã tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vào ngày 6, 7, 8-7 với hơn 85.000 thí sinh dự thi, đạt 96,25%. Hiện nay, thành phố còn 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi đợt 2. Tuy nhiên, thành phố đã thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9-7. Tình hình dịch bệnh đến thời điểm thi đợt 2 có thể còn diễn biến phức tạp, thời gian kết thúc Chỉ thị 16 cận kề ngày thi. Do vậy, khó có thể tổ chức thi đợt 2 bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và tạo sự an tâm cho phụ huynh.

Để bảo đảm quyền lợi của các thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2, Sở đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, căn cứ khoản 1, 2, Điều 37, Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18-4-2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT có quy định cụ thể về việc xét đặc cách cho trường hợp đặc biệt.

Do vậy, theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, các trường hợp thi đợt 2 có thể xem xét theo điều kiện có việc đột xuất đặc biệt để xem xét đặc cách cho các thí sinh chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 và có đăng ký thi đợt 2.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng trình UBND thành phố đề xuất với Bộ yêu cầu Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học, các trường có tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh khác để xét tuyển đối với các thí sinh được xét đặc cách trong đợt thi thứ 2.

* Chiều 21-7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình, gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022. Theo đó, việc huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh lớp 1, 6 sẽ được điều chỉnh thời gian thực hiện kết thúc trước ngày 10-8 (muộn hơn 10 ngày so với kế hoạch trước đó). Các quận, huyện, thành phố chủ động triển khai tuyển sinh trực tuyến để thực hiện kế hoạch mới này.

Về tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 công lập, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sở đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, vẫn sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT vào ngày 16 và 17-8-2021 nếu đảm bảo mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Thứ hai, chỉ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và xét tuyển lớp 10 THPT cho các học sinh đã đăng ký các nguyện vọng thi tuyển lớp 10 công lập, nếu dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh ở mức nguy cơ hoặc thành phố trong trạng thái bình thường mới.

Với phương án 1, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã sẵn sàng các phương án chuẩn bị, có thể triển khai được ngay, đảm bảo công bằng cho học sinh và phương thức tuyển sinh không phải thay đổi nhiều. Tuy nhiên, việc tổ chức thi tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chủng Delta lây lan nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và tác động tiêu cực đến tâm lý phụ huynh, học sinh. Việc chấm thi, xét tuyển sẽ kéo dài sang tháng 9, quá thời gian bắt đầu năm học mới.

Về quy trình xét tuyển, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 4 phương án. Một là căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm lớp 9 đối với 3 môn ngữ văn, toán, tiếng Anh của học sinh làm điểm xét tuyển vào các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh. Hai là căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn ngữ văn, toán, tiếng Anh và điểm trung bình môn cuối năm của lớp 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh.

Thứ ba là căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn ngữ văn, toán, tiếng Anh của lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh. Thứ tư là căn cứ trên tổng điểm trung bình môn cuối năm của lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh.

Công tác tuyển sinh lớp 10 của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các trường ngoài công lập được đề xuất lùi đến ngày 31-8-2021.

Với phương án 2, chỉ có 10 điểm thi chuyên, thay vì 130 điểm thi lớp 10 như trước đây, sẽ thuận lợi hơn trong khâu tổ chức; đảm bảo an toàn do số lượng thí sinh, nhân sự coi thi, chấm thi không nhiều và tận dụng được sự chuẩn bị sẵn sàng của các điểm thi. Có 2 phương án tổ chức thi cho học sinh thi lớp 10 chuyên. Một là thi 4 môn ngữ văn, toán, tiếng Anh và môn chuyên vào ngày 16 và 17-8-2021 hoặc phương án 2 chỉ thi một môn chuyên vào sáng 16-8-2021.

Nếu tổ chức theo phương án này, thành phố vẫn sàng lọc, tìm kiếm được nguồn học sinh giỏi cho các lớp chuyên. Những học sinh không thi đỗ lớp chuyên vẫn được xét lớp 10 THPT theo 3 nguyện vọng như những học sinh bình thường khác.

Tuy nhiên, phương án này gặp khó khăn do phát sinh trường hợp học sinh không đăng ký thi tuyển lớp 10 THPT nhưng lại muốn đăng ký bổ sung xét lớp 10 công lập. Học sinh sẽ có tâm lý so sánh khi có học sinh được thi chuyên và học sinh chỉ được xét tuyển lớp 10 THPT công lập.

Thanh Tàu - Bích Ngọc