Cùng chăm lo cho người còn khó khăn
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 22/07/2021
Quan tâm từng hoàn cảnh khó khăn
Khó khăn chồng chất khó khăn là hoàn cảnh mà bà Lê Thị Minh ở số nhà 28/91 Nguyễn Phúc Lai (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) đang phải gánh chịu. Là công nhân môi trường đã nghỉ hưu, bà Minh phải chăm chồng bệnh nặng, trong khi cháu nội mắc bệnh thiểu năng trí tuệ và con trai mắc bệnh suy thận, tim mạch. Lâu nay, cả gia đình đều trông chờ vào hàng nước của bà Minh nhưng hiện phải tạm dừng bán hàng để bảo đảm phòng, chống dịch.
Trước tình cảnh này, Tổ trưởng tổ dân phố số 28 (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) Phùng Thị Kim Thoa đã vận động các gia đình trên địa bàn ủng hộ được 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà Minh. "Sự ủng hộ kịp thời, thiết thực của các gia đình đã thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng", bà Phùng Thị Kim Thoa nói.
Những ngày này, nụ cười luôn nở trên môi ông Hạ Huy Lai (90 tuổi, là hộ nghèo ở xóm Leo, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ) khi được về ở trong ngôi nhà vừa mới xây dựng từ kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã Tốt Động. "Tôi rất xúc động trước tấm lòng của chính quyền, đoàn thể và mọi người đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống", ông Hạ Huy Lai chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) Phùng Xuân Toàn cho biết, xã có 169 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của một số gia đình rất vất vả. UBND xã đã vận động nhân dân đóng góp được hơn 40 triệu đồng. UBND xã cũng trích ngân sách 25,65 triệu đồng và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ 12 triệu đồng để trao tặng quà cho các hộ nghèo gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho hay, bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định, Sở khuyến khích các cấp chính quyền địa phương huy động sự đóng góp của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân cùng chung tay hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ổn định cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nâng cao mức sống cho người có công
Dịp này, các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô cũng tăng cường hỗ trợ các gia đình người có công để nâng cao mức sống cho họ. Đi qua chiến tranh, nhiễm chất độc da cam, nay lại mắc thêm căn bệnh ung thư, bà Nguyễn Thị Hoài (75 tuổi, ở tổ dân phố 15, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cũng tại phường Phú Diễn, ông Lý Xuân Thế (65 tuổi, ở tổ dân phố số 6) bị di chứng của chất độc da cam, liệt nửa người. "Để hỗ trợ một phần, phường đã tặng 5 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho người có công trên địa bàn, trị giá 1 triệu đồng/sổ, trong đó có gia đình bà Hoài và ông Thế", Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Nguyễn Ngọc Lương cho biết.
Cùng cách làm, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) Nguyễn Cảnh Quang cho hay, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), UBND phường đã tổ chức thăm và tặng 30 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng đến các gia đình người có công trên địa bàn. Phường cũng trích 22,6 triệu đồng từ Quỹ Tình nghĩa phường, tặng quà 113 thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam...
Còn Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho hay, năm 2021, quận tặng 99 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với mức thấp nhất 1 triệu đồng/sổ; hỗ trợ các hộ gia đình người có công để có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; tặng quà với tổng giá trị 2,1 tỷ đồng cho các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Là địa bàn còn khó khăn nhưng huyện Ba Vì cũng dành nhiều nguồn lực để chăm lo đối tượng người có công... Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ, huyện đã trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và ngân sách, tổ chức trao tặng 74 sổ tiết kiệm; hỗ trợ sửa chữa 10 nhà ở cho đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ chung, dịp này thành phố đã chỉ đạo các địa phương phát huy tốt vai trò của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đồng thời huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo đời sống các gia đình người có công, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sự giúp đỡ, chăm lo kịp thời trên tinh thần “tương thân, tương ái”, thể hiện đạo lý "đền ơn đáp nghĩa" của các cấp, ngành, tập thể, cá nhân cho người còn khó khăn, người có công đã và đang góp phần giúp họ vượt qua giai đoạn dịch bệnh, dần ổn định cuộc sống.