Chính phủ cảm ơn nhân dân đã đoàn kết, đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Chính trị - Ngày đăng : 09:39, 22/07/2021
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%
Trình bày báo cáo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vắc xin và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
“Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như: Y tế, quân đội, công an cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch. Trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19”, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản...
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện; đã kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt; hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề; đã dành 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao. Hình thức dạy và học trực tuyến tiếp tục được triển khai rộng rãi, góp phần bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2020-2021. Nhiều học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (đợt 1) diễn ra an toàn, nghiêm túc...
Tập trung dập dịch ở một số tỉnh, thành phố đang bùng phát mạnh
Những tháng còn lại của năm 2021, về phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống.
“Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch”, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Đối với phát triển kinh tế, Chính phủ tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển. Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ cũng tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chiến lược vắc xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp…
"Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%; có 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 3 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%”, đồng chí Vũ Hồng Thanh nói.