Bố trí 39.632 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương cho Chương trình nông thôn mới đến năm 2025

Kinh tế - Ngày đăng : 15:56, 23/07/2021

(HNMO) - Chiều 23-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2016-2021 Lê Minh Hoan.

Phấn đấu đến 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2016-2021 Lê Minh Hoan cho biết, với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, chương trình giai đoạn 2021-2025 tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

“Chương trình cũng chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn… Đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn”, đồng chí Lê Minh Hoan nêu rõ.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định; có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Bố trí 39.632 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương cho chương trình

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có 11 nội dung thành phần. Để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung thành phần, chương trình sẽ triển khai 6 đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới nổi lên sau 10 năm thực hiện, gồm: Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến, tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 bố trí tối thiểu khoảng 39.632 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra về tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu để bảo đảm nguồn lực được bố trí hợp lý trên cơ sở thứ tự ưu tiên. Cụ thể, địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương thì tự bảo đảm vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện; địa phương thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên khó khăn thì ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 70%; địa phương ngân sách trung ương còn phải hỗ trợ trên 60% thì ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 50%; địa phương bảo đảm ngân sách từ 60% trở lên thì ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 30%.

"Cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã đạt dưới 15 tiêu chí và số vốn còn thiếu để các xã đạt trên 15 tiêu chí hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bố trí vốn thanh toán các nội dung nợ tiêu chí; hoàn thành dứt điểm các nội dung dở dang của giai đoạn 2016-2020...”, đồng chí Vũ Hồng Thanh nói.

Bên cạnh đó, do đặc thù triển khai đồng thời và có sự lồng ghép vốn thực hiện giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương chung cho cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời bảo đảm phân công hợp lý, không chồng chéo.

Mai Hữu