Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Hậu: Văn hóa làng góp phần kiến tạo nên diện mạo đặc sắc, độc đáo cho Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 15:26, 24/07/2021
- Thưa PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, dưới con mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa, bà đánh giá thế nào về vai trò của văn hóa làng trong quá trình phát triển đô thị của Thăng Long - Hà Nội?
- Trước khi vua Lý Thái Tổ lựa chọn thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”, nơi trung tâm trời đất để làm kinh đô mãi muôn đời thì Thăng Long vốn là nơi hội tụ của các làng. Cũng giống như những ngôi làng Việt khác ở Đồng bằng Bắc Bộ, các thế hệ cư dân của “ngôi làng lớn” này đã tạo dựng nên truyền thống, đức tin, các giá trị, chuẩn mực, lối sống, lối tư duy, phương thức sản xuất truyền thống, phong tục tập quán, thói quen ăn uống cùng các sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng như lễ hội, nghi thức, tín ngưỡng... Những giá trị vật chất và tinh thần đó chính là “văn hóa làng”.
Văn hóa làng ấy đã ăn sâu vào tâm thức của các thế hệ sinh sống ở mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Chính vì vậy, dù trải qua bao biến thiên lịch sử, tên đất tên làng đã thành tên phố tên phường, người nông dân năm xưa đã trở thành thị dân, lối sống, nếp sống đã có sự thay đổi nhưng trong cơ tầng văn hóa Thủ đô hôm nay vẫn còn đó dấu ấn văn hóa làng. Và trong chừng mực, văn hóa làng đóng vai trò nhất định trong quá trình phát triển đô thị Hà Nội hiện nay. Những yếu tố của văn hóa làng như đình, đền, chùa, miếu, lễ hội, diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thông... đã góp phần kiến tạo nên một diện mạo đặc sắc, độc đáo cho Thủ đô Hà Nội - tạo nên thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô di sản. Đây chính là nguồn lực nội sinh, “sức mạnh mềm” văn hóa, cái tạo nên sự hấp dẫn, lợi thế so sánh của Hà Nội trong phát triển.
- Quan điểm của bà thế nào về câu nói của nhà văn Hoài Thanh, rằng “trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê”. Các đặc tính của “một anh nhà quê” ấy đã gây nên những cản trở gì cho quá trình phát triển đô thị?
- Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được sản sinh, nuôi dưỡng trong không gian văn hóa nông thôn. So với nông thôn thì lịch sử đô thị Việt Nam trẻ trung hơn rất nhiều. Hơn nữa, mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị ở Việt Nam là mối quan hệ vô cùng mật thiết. Những căn tính của người Việt Nam truyền thống (kể cả mặt tích cực và hạn chế) mặc dù được hình thành trong không gian làng xã, gắn với phương thức sản xuất nông nghiệp nhưng được di truyền xã hội qua không gian và thời gian. Do đó, rất nhiều người tâm đắc và chia sẻ nhận định của nhà văn Hoài Thanh “trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê”.
Vì dù sống trong xã hội hiện đại, ở nơi đô thị, nhưng những căn tính ấy vẫn hiện diện trong mỗi chúng ta, từ tư duy đến ứng xử, hành động. Bên cạnh những ưu điểm, cái căn tính truyền thống ấy cũng có những hạn chế. Đó là tư duy kinh nghiệm, là thói quen làm ăn tùy tiện, manh mún, là tính ích kỷ, cục bộ địa phương, “cha chung không ai khóc”, là sự gắn kết thiên về cảm tính... Không khó để bắt gặp những hiện tượng này trong đời sống hằng ngày, từ nơi công sở đến các khu dân cư. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị; gây khó khăn trong việc xây dựng môi trường văn hóa công cộng; gây khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược quy hoạch, phát triển của Thủ đô. Đây là những trở lực cho quá trình phát triển nói chung, phát triển đô thị ở Hà Nội nói riêng.
- Trước thực trạng đó chúng ta cần phải làm gì để văn hóa làng hòa quyện và trở thành một thành tố làm nên văn hóa thị dân?
- Lối sống đô thị là một thành tố quan trọng tạo nên văn hóa đô thị. Văn hóa đô thị và văn hóa làng, nông dân và thị dân về bản chất không có mâu thuẫn đối lập nhưng có những sự khác biệt nhất định. Xét trên bình diện tổng thể, đó đều là những thành tố cấu thành nên nền văn hóa quốc gia, dân tộc với đặc trưng thống nhất trong đa dạng. Để dung hợp giữa căn tính nông dân với căn tính thị dân, giữa văn hóa làng với văn hóa đô thị trong phát triển Thủ đô, tôi nghĩ trước hết cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển.
Cần khắc phục những nhận thức cực đoan như quá đề cao yếu tố văn hóa truyền thống, xem nhẹ những yếu tố văn hóa mới, hoặc ngược lại, tuyệt đối hóa vai trò của những yếu tố văn hóa mới, khước từ truyền thống. Cả hai thái độ này đều không phát huy được hết vai trò của văn hóa, và như vậy thì khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Với điều kiện tự nhiên, bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rất riêng, Hà Nội chỉ có thể phát triển bền vững trên cơ sở xử lý hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Tiếp đó, theo tôi, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, văn hóa Thủ đô.
Trên nền tảng hiểu biết đó, các công dân trẻ tuổi của Thủ đô sẽ yêu, sẽ tự hào, sẽ gìn giữ những vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đồng thời, giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cũng cần chú trọng trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hình thành lối sống văn minh, thanh lịch của người Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố nên khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong bảo tồn những giá trị văn hóa làng đặc sắc (cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể) trước khi quá muộn. Đồng thời, ngành Văn hóa, Du lịch cần xây dựng các kế hoạch để phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa làng ở Thủ đô.
Đặc biệt, Hà Nội nên tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa công cộng cũng như thực hiện tốt các quy định về văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, quy định văn hóa cộng đồng ở các khu dân cư, đặc biệt là các khu đô thị mới. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa công cộng sẽ tạo nên không gian văn hóa, môi trường sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô, đồng thời cũng tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị. Còn việc xây dựng và thực hiện các quy định văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, quy định văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị sẽ tạo ra những “thể chế mềm”, những chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của mọi tầng lớp nhân dân theo hướng vừa phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Tràng An (tinh tế, thanh lịch, đoàn kết, nhân văn...), vừa phù hợp với những yêu cầu của xã hội đô thị hiện đại (thượng tôn pháp luật, kỷ cương, dân chủ...).
- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!