Thận trọng khi tiêm filler làm đẹp
Xã hội - Ngày đăng : 16:30, 24/07/2021
Hối hận muộn màng
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây tiếp nhận một nữ bệnh nhân vào viện trong tình trạng da bề mặt có ổ áp xe căng bóng, sắp vỡ, nhiễm trùng vùng mặt. Bác sĩ Vũ Hồng Chiến (khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ) chẩn đoán: Đây là tình trạng nhiễm trùng muộn vùng mặt do tiêm chất làm đầy. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, ổ áp xe có thể lan rộng, viêm tấy lan tỏa phần mềm hoặc vỡ ra, để lại sẹo xấu, sẹo lõm cho người bệnh, thậm chí vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ hoặc gây nhiễm trùng máu. Theo bác sĩ Vũ Hồng Chiến, những năm gần đây có không ít ca biến chứng do làm đẹp không an toàn. Có người sau khi tiêm filler đã bị mù cả hai mắt do tắc mạch; có người tiêm filler không rõ nguồn gốc vào ngực gây nhiễm trùng máu, phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
Tương tự, thời gian qua Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã tiếp nhận và xử lý nhiều ca tiêm filler gây tổn thương mắt, hoại tử vùng tiêm. Thậm chí, theo PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có những ca tiêm filler nâng ngực tại spa dẫn tới hoại tử hoàn toàn hai bên ngực.
Bác sĩ Đặng Thị Bích Diệp, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi, nâng ngực, xóa nếp nhăn, làm mọng môi... là do bệnh nhân thực hiện thủ thuật ở các cơ sở không bảo đảm an toàn, người làm thủ thuật không được đào tạo bài bản, vật tư y tế không rõ nguồn gốc. Đơn cử, một bé gái 13 tuổi ở tỉnh Yên Bái đã đến cơ sở làm đẹp để tiêm filler, người thực hiện thủ thuật đã tiêm không đúng kỹ thuật, tiêm trúng mạch máu của bé gái. Bác sĩ Diệp cho hay, bất cứ thủ thuật hay phẫu thuật làm đẹp nào, dù là ít xâm lấn cũng cần phải được tiến hành theo một quy trình khép kín bởi các bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề.
Không thể dễ dãi
Filler, hay còn gọi là chất làm đầy, được ngành thẩm mỹ dùng để tiêm vào da. Tuy nhiên, do đây là một thủ thuật ngoại khoa nên theo các chuyên gia, kỹ thuật này có chỉ định, chống chỉ định và có nguy cơ biến chứng nhất định. Các biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: Biến chứng liên quan đến kỹ thuật tiêm; biến chứng do sử dụng các chất làm đầy không được cấp phép. Biến chứng do kỹ thuật tiêm nặng nề nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu, gây tắc mạch, dẫn đến nhồi máu não, mù, hoại tử da... Kỹ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng ở vùng tiêm.
Với nhóm thứ hai - biến chứng do tiêm các chất không được cấp phép, không rõ nguồn gốc, không được xử lý tốt thì các chất này có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét... Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn tùy từng bệnh nhân.
Để an toàn khi tiêm filler, Tiến sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra lời khuyên: Trước khi lựa chọn can thiệp bằng bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào, chị em cần tìm hiểu kỹ loại thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, có cần thiết với mình hay không, có thể có biến chứng ra sao. Quan trọng hơn cả là khi làm đẹp chị em cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, và lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế), tránh chạy theo quảng cáo để rồi tiền mất - tật mang.
“Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm thì cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, khuyến cáo. Tốt nhất là chỉ thực hiện tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép có biển niêm yết ghi rõ là "Phòng khám chuyên khoa", có tên và số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.