Bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 24/07/2021
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, làn sóng dịch Covid-19 mới đang tiếp tục càn quét các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp số ca nhiễm tăng nhanh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm ngoái. Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91%, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020. Về lĩnh vực xuất, nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước với các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cho thấy dấu hiệu hồi phục nhờ vào các quốc gia phương Tây gia tăng nhu cầu tiêu dùng.
Khối nghiên cứu Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 vào khoảng 6,1%. Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Dự kiến, khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầy hứa hẹn. Điều đó, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam hiện tại được khối nghiên cứu này nâng lên 6,8%.
Về môi trường đầu tư, các chuyên gia của hãng tư vấn đầu tư nước ngoài Dezan Shira & Associates tại châu Á cho rằng, Việt Nam có mức độ đa dạng khu vực cao. Các miền Bắc, Trung, Nam đều có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt đối với các ngành và loại hình kinh doanh khác nhau. Dù đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng tích cực nói chung là yếu tố phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư khi lựa chọn Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhờ có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), khoảng 71% thuế quan nhập khẩu đã được xóa bỏ. Hơn nữa, các hàng rào phi thuế quan cũng mang lại cơ hội trong việc cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu sản phẩm trực tiếp. Trong khi đó, công nghệ và đầu tư nước ngoài đang được khuyến khích tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng có đầy đủ các lợi thế để phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong lĩnh vực này. Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sản xuất năng lượng xanh.
Trang tin Lexology.com của Anh vừa đăng bài viết khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu khả quan hơn so với nhiều nước khác trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và đang có vị thế tốt để thu hút đầu tư FDI.
Theo bài viết, trong những năm qua, Việt Nam đã là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, kể từ khi tập trung mở cửa thị trường, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia nhiều hiệp định thương mại truyền thống khu vực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, Việt Nam đã trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do toàn cầu “kỷ nguyên mới”.
Không chỉ vậy, Việt Nam đã chuyển từ lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sang các lĩnh vực của nền kinh tế mới có giá trị gia tăng và công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số. Bài viết nhận định, những nỗ lực về kinh tế và quản lý của Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư FDI đổ vào Việt Nam trong những năm tới.