Lãng phí nguồn nhân lực, trí tuệ con người còn lớn hơn về tài chính
Kinh tế - Ngày đăng : 19:03, 24/07/2021
Tại buổi thảo luận, hầu hết các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Làm rõ các nguyên nhân lãng phí đầu tư công
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 do Chính phủ thực hiện rất cụ thể, chi tiết từng lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là các con số nêu trong báo cáo năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830ha đất.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu: "Lãng phí trong đầu tư công luôn là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, trong báo cáo lại chưa đề cập cụ thể, rõ ràng việc chúng ta lãng phí bao nhiêu ngân sách nhà nước cho các dự án này. Các dự án đầu tư công này không hoàn thành tiến độ kéo theo các dự án khác bị ảnh hưởng ra sao cần được Chính phủ làm rõ trong báo cáo". Cùng với đó là những lãng phí trong tiêu dùng hằng ngày, Chính phủ cần đưa ra để mỗi người dân biết và thực hành tiết kiệm.
Dưới góc độ xây dựng luật pháp, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, công tác tiết kiệm trong xây dựng thể chế rất quan trọng nhưng chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. "Hệ thống pháp luật của chúng ta tương đối đầy đủ, cơ bản là sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang có để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy trình xây dựng cũng như thông qua các dự án luật của chúng ta thường kéo dài, mất rất nhiều năm mới có hiệu lực, nên khi ban hành đã bộc lộ những bất cập trong thực tiễn. Vì thế, việc rút ngắn thời gian xây dựng và thông qua các dự án luật giúp tiết kiệm chi phí và tạo cơ hội cho xã hội phát triển", đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cũng băn khoăn, trong năm 2020, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành đã ban hành khá nhiều chính sách để thực hiện việc này. Thế nhưng, kết quả của việc thực hiện như thế nào, bằng những con số cụ thể ra sao lại chưa được rõ. "Trong báo cáo có nêu vấn đề lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, vậy hiện tượng bỏ ruộng có là biểu hiện của sự lãng phí không", đại biểu Trần Văn Tuấn nêu vấn đề.
Xử lý triệt để các "đại dự án" gây lãng phí
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), hành vi tham nhũng là đáng quan ngại và phải lên án, nhưng hành vi lãng phí cũng đáng lên án không kém. Cả hai bản báo cáo của Chính phủ và của Quốc hội chưa đề cập đầy đủ, toàn diện cũng như đi sâu vào bản chất của lãng phí. Việc tổ chức thực hiện trong phòng, chống lãng phí chưa tốt, trong khi hệ thống pháp luật xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Vì thế, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải nâng tầm hơn nữa, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, bởi chủ yếu lãng phí của công, của chung, của xã hội, chứ ít khi xảy ra lãng phí của cá nhân.
Cho rằng vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các báo cáo mới chỉ dừng lại ở góc độ hẹp khi đề cập đến vấn đề tài chính, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: "Tôi cho rằng lãng phí về sức mạnh con người, nguồn nhân lực, trí tuệ con người cũng như niềm tin của xã hội mới là lãng phí lớn. Với cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, người tài hiện nay, làm sao chúng ta có thể giữ chân họ được. Vì thế, việc cải cách về thể chế là hết sức quan trọng để chúng ta không bị lãng phí những nguồn lực của xã hội, mà ở đây là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) đề nghị báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm nguyên nhân để đưa ra giải pháp sát, đúng, trúng cho năm 2021. Trong nhiệm vụ của năm nay, nên bổ sung việc tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đề cập đến các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho rằng, cần tập trung giải quyết triệt để, căn cơ các đại dự án đã được chỉ ra là đang gây lãng phí. Nếu chúng ta xử lý được việc này, đưa được một dự án vào hoạt động thì con số tiết kiệm được không chỉ dừng lại ở 55.000 tỷ đồng.
“Nếu làm được việc này, không chỉ lòng tin trong nhân dân được củng cố, mà cũng góp phần giúp Đảng, Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, đại biểu Nguyễn Văn Hùng nói.