Nâng cao chất lượng các tổ hòa giải
Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 25/07/2021
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc triển khai, gắn kết mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố đã giúp cho công tác hòa giải trên địa bàn Thủ đô đi vào nền nếp, đạt hiệu quả tích cực.
Thành phố hiện có 4.975 tổ hòa giải với tổng số 32.075 hòa giải viên, trong đó 2.637/4.975 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 53%). “Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; phối hợp tốt giữa Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn; hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời; định kỳ giao ban 6 tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải, ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở đúng quy định.
Việc đưa ra 5 tiêu chí trên đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố tăng cao qua từng năm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố tiếp nhận 2.098 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, 145 vụ việc đang hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,75%).
Một số địa bàn duy trì và tích cực triển khai mô hình này là quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình... Trong đó, các quận Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy đã đưa hoạt động hòa giải thành một tiêu chuẩn thi đua, làm cơ sở khen thưởng cuối năm.
Tại quận Cầu Giấy, Phòng Tư pháp quận thường xuyên phối hợp với các phòng, ban, ngành, UBND các phường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Hiến pháp và các luật mới ban hành tới cán bộ, công chức, viên chức, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những điểm mới của Bộ luật Dân sự quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Tổ chức tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành và kỹ năng hòa giải các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em… cho các hòa giải viên. Nhiều tình huống trên thực tế, giải pháp xử lý đã được đưa ra nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đổi mới cách tiếp cận vụ việc và phương thức tiến hành hòa giải, giúp công tác hòa giải ngày càng hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Hoài ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy từng được hòa giải viên quận Cầu Giấy hỗ trợ cho biết, quá trình giải quyết, ngoài sử dụng những kiến thức cơ bản theo quy định của pháp luật, hòa giải viên còn phân tích, chia sẻ về phong tục, tập quán, tâm lý tình làng nghĩa xóm để thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận, nên giải quyết các mâu thuẫn rất nhanh gọn.
Từ những kết quả đạt được trong việc xây dựng, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, trong những tháng cuối năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên để họ không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; khuyến khích chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.