Thành phố Hồ Chí Minh: Đáp ứng nhu cầu tại nhà để người dân hạn chế ra ngoài
Đời sống - Ngày đăng : 13:13, 25/07/2021
Ngoài ra, đã có hơn 18.000 bệnh nhân được xuất viện. Thành phố tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch và kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân chung tay giúp sức, cùng nhau vượt qua đại dịch.
Đáp ứng nhu cầu tại nhà để người dân ít ra đường
Đó là quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ nay đến ngày 1-8. Phát biểu với báo chí sáng 25-7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói: “Thành phố đã trải qua 55 ngày giãn cách chống dịch theo các cấp độ khác nhau, nhưng tình hình vẫn phức tạp. Phải hạn chế hơn nữa việc người dân gia đường. Chính quyền sẽ bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cần thiết tận nhà. Cùng với đó, ngành Y tế nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm thiểu ca tử vong”.
Theo những quy định mới nhất, từ ngày 25-7, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người dân trong khu phong tỏa không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với người xung quanh. Chính quyền và lực lượng tình nguyện địa phương sẽ đưa nhu yếu phẩm, hay thực hiện “đi chợ giúp” mang về tận nhà. Thành phố hạn chế tối đa những người trong diện được ra đường.
Người dân được phát phiếu đi chợ 3 lần/tuần. Từ 18h hằng ngày, diện người này còn được thu hẹp hơn so với giờ hành chính. “Chỉ có cách ly triệt để mới góp phần giảm bớt sự lây lan của dịch Covid-19”, đồng chí Phan Văn Mãi nói.
Đây thực sự là một thách thức cho hệ thống phân phối hàng hóa nhỏ lẻ đến từng khu dân cư. Từ ngày 9-7 đến nay, khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng giao hàng công nghệ đang đóng vai trò rất lớn trong nhận và giao nguyên liệu đến từng hộ gia đình, trong bối cảnh phần lớn người dân thành phố đã ở trong nhà phòng dịch, hạn chế cả việc đi chợ. Tuy nhiên, đội ngũ shipper này cũng là nguy cơ tiềm ẩn lây lan bệnh tật.
Để từng bước thiết lập đội giao hàng có thể quản lý được, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành Công Thương làm việc với hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) thiết lập đội ngũ giao hàng để đáp ứng đơn hàng online đang tăng chóng mặt.
UBND thành phố cũng yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên, Thành đoàn thành phố…để được điều phối lực lượng thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong… giao hàng cho địa phương. Những người này được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng dịch và xét nghiệm Covid-19 thường xuyên.
Cộng đồng chung tay vượt qua đại dịch
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể và địa phương đã nỗ lực trợ giúp những người yếu thế, cùng nhau vượt qua đại dịch.
Điển hình như anh Huỳnh Đăng Phúc, chủ dãy nhà trọ tại địa chỉ 350/26/6 khu phố 1, phường Bình Thuận, quận 7, đã chủ động giảm giá thuê 30 phòng trọ với mức 300.000 đồng/phòng/tháng, nhằm hỗ trợ cho những lao động nghèo đang trọ tại đây, cùng 30 suất quà, mỗi suất gồm gạo và thùng mì gói cho các khách thuê trong các tháng 5 và 6-2021.
Đến tháng 7-2021, dịch bùng phát mạnh, anh Phúc đã miễn 100% tiền thuê nhà, tiếp tục hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khách thuê. Tính đến nay, anh Phúc đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho người thuê nhà và cùng tổ dân phố ủng hộ những bà con nghèo khác bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Đại diện UBND phường Bình Thuận cho biết: “Cùng với anh Phúc, trên địa bàn còn có 13 chủ nhà trọ đồng ý giảm giá tổng cộng 369 phòng, với tổng số tiền 349.700.000 đồng cho công nhân, người lao động thuê trọ. Chúng tôi đang tiếp tục vận động các chủ trọ khác tham gia chương trình”.
Trong những ngày qua, các thành viên Hội Nữ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực vào cuộc, trợ giúp máy móc, thiết bị vật tư y tế cho các bệnh viện điều trị Covid-19. Điển hình như doanh nghiệp TNI King Coffee đã ủng hộ hơn 730 triệu đồng tiền và hàng hỗ trợ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Gần đây nhất, ngày 23-7, TNI King Coffee đã trao 16.000 khẩu trang N95, 2.000 bộ đồ bảo hộ y tế và đồ uống cho các bác sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Tại quận Gò Vấp, UBND quận, phường và các cấp Mặt trận Tổ quốc đã triển khai nhiều mô hình trợ giúp thiết thực như: "Bếp ăn yêu thương", "Bếp nhỏ hội em", "Phiên chợ nghĩa tình online", "Phiên chợ 0 đồng"... để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người dân trong các khu vực phong tỏa, đồng thời, tiếp sức, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Từ ngày 31-5 đến nay, toàn quận đã hỗ trợ 95.987 trường hợp gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu, tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng từ nguồn vận động. Quận đã chi hơn 24,1 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho 3.711 hộ kinh doanh, 633 thương nhân tại các chợ truyền thống và gần 10.000 người lao động, trong đó có 9.300 lao động tự do.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: “Thành phố trân trọng cảm ơn những đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Mong ngày càng có thêm nhiều mô hình trợ giúp hiệu quả để chăm lo tuyến đầu chống dịch và cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế”.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.