Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt trong phát triển kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19
Chính trị - Ngày đăng : 12:15, 25/07/2021
Ghi nhận những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến thảo luận đầu tiên, đại biểu Đặng Minh Châu (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ tán thành với báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ, trong đó có nhiều thành tích đạt được rất đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế; đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng năm 2021 là rất đáng ghi nhận với tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định. “Những thành quả trên thể hiện rõ nét sự cố gắng, nỗ lực và sự sáng tạo, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.
Nhiều đại biểu đã đánh giá cao việc trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên “Tích cực”.
“Điều đó cho thấy Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, qua đó “mục tiêu kép” ngày càng đạt được những kết quả tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đánh giá, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch dựa trên việc phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những thành quả và hạn chế trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2021) và bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhất trí với các giải pháp đề ra trong kế hoạch, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần linh hoạt có những giải pháp phù hợp với từng thời điểm phát triển cũng như chú trọng đến những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển như công nghệ thông tin để làm nền tảng đẩy mạnh phát triển kinh tế số.
Các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với việc trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng bày tỏ thống nhất cao với việc Quốc hội cho phép Chính phủ có những quyết định chưa có trong Luật để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
“Tôi đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tôi tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công”, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nói.
Khẩn trương, đúng đối tượng trong thực hiện gói hỗ trợ
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, ví dụ không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch. “Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời. Vấn đề làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Nêu giải pháp căn cơ để phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin Covid-19, đặc biệt là tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế, vừa bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vừa tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Đồng thời, chuẩn bị lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của người dân.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất cơ chế “hộ chiếu vắc xin” cho toàn dân khi có đủ tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi vắc xin. “Đây là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế phục hồi trở lại”, đại biểu nhấn mạnh.
Đối với các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc khẩn trương thực hiện các gói là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, hình thức.
“Tôi nghĩ rằng cần cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm trong thực hiện các gói hỗ trợ. Bởi vì khi kê khai thì người dân chỉ biết nộp hồ sơ, việc xác định tính đúng đắn là trách nhiệm của cơ quan công quyền. Mặt khác, chính sách hỗ trợ thể hiện tính nhân văn cao cả, do đó việc hành xử cũng phải nhân văn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Phát biểu về việc giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tuy chưa được như mong muốn nhưng đối với gói 62 nghìn tỷ đồng, năm 2020 đã giải ngân khoảng 39 nghìn tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng.
Đối với gói 26 nghìn tỷ đồng vừa được thực hiện, việc ban hành 12 chính sách là kịp thời, đúng và trúng đối tượng; thông thoáng về hồ sơ, rút ngắn 2/3 thủ tục và thời gian. Qua 15 ngày, đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với kinh phí 4.300 tỷ đồng hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng. Đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn tất cả người điều trị F0 và cách ly F1; 52.081 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại 5.922 doanh nghiệp; 5.500 hộ sản xuất, kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ…
“Gói hỗ trợ này đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, người thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 24 đại biểu Quốc hội phát biểu với những ý kiến chuẩn bị công phu, sâu sắc.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Được sự đồng ý của chủ tọa kỳ họp, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, thành phố đang trải qua những ngày chống dịch Covid-19 nhiều căng thẳng, cam go và phức tạp. Nhưng cũng từ những gian khó đó, người dân thành phố đã cảm nhận sâu sắc sự quan tâm, sẻ chia tấm lòng, tình người, tình đồng chí, đồng bào từ người dân, doanh nghiệp cả nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng cảm ơn nhân dân cả nước luôn dõi theo tình hình dịch Covid-19 tại thành phố, hỗ trợ vật chất, tinh thần, tài chính, nguồn nhân lực y tế, tiếp thêm sức mạnh, năng lượng tích cực giúp thành phố chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức mình với quyết tâm cao nhất để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại bình thường như người dân mong đợi”, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định.