Đề cao hơn nữa việc nêu gương của cán bộ, đảng viên

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:30, 26/07/2021

(HNM) - 1. Nêu gương được hiểu là làm mẫu một việc nào đó để cá nhân, tập thể trong xã hội làm theo, noi theo. Thực tế chứng minh, nêu gương đạo đức là khó nhất vì đòi hỏi phấn đấu thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời.

Khi nói đến cán bộ, đảng viên, vấn đề được nhân dân theo dõi, xem xét và đánh giá nhiều nhất, đó là có gương mẫu hay không. Bởi cán bộ, đảng viên là những người tiên phong về bản lĩnh chính trị, tinh thần cống hiến, phẩm chất đạo đức trong sáng, trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc chung.

Chính những phẩm chất cao quý này đã làm nên uy tín cá nhân trong Đảng và với nhân dân, uy tín của Đảng với nhân dân. Tuy nhiên, như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề cập, việc “một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cá biệt có đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm, kỷ luật và bị xử lý hình sự”, tức không hoàn thành vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân. Trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đề cập việc ở không ít đơn vị, địa phương, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được kiểm soát căn cơ, chặt chẽ và tiến hành thường xuyên. Do đó, đã xuất hiện những công bộc bỏ quên mục tiêu, lý tưởng cách mạng, danh dự của người đảng viên để chạy theo quyền lực, lợi ích cá nhân.

Gần đây, dư luận rất bức xúc với trường hợp ông Nguyễn Xuân Hùng (nguyên Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Tráng Việt và là ứng cử viên đại biểu HĐND xã Tráng Việt nhiệm kỳ 2021-2026 tại Đơn vị bầu cử số 4), đã câu kết với một số cá nhân để làm sai lệch kết quả bầu cử HĐND xã, vi phạm Khoản 2, Điều 161 Bộ luật Hình sự. Do lo sợ không trúng cử, ông Hùng đã câu kết với những cá nhân khác để đưa 75 phiếu bầu vào hòm phiếu, dẫn đến đơn vị bầu cử này phải tổ chức bầu lại.

Hay như trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trái ngược với hình ảnh các y, bác sĩ vất vả vì làm việc quá sức, lại là việc “thổi giá”, nâng giá thiết bị xét nghiệm của một số cán bộ, đảng viên do Nguyễn Nhật Cảm cầm đầu xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đầu năm 2020…

2. Nêu gương được xem là một trong những biện pháp quan trọng để tập hợp đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể cùng triển khai nhiệm vụ chính trị, hướng tới thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Để việc nêu gương được thực chất, hiệu quả và là việc làm thường xuyên, liên tục, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, tiêu biểu là Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nêu gương tiếp tục được xem là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa suy thoái, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, trong đó “phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu” được nhấn mạnh và được xem là giải pháp đột phá trong công tác xây dựng Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng chỉ ra các nhóm giải pháp để đẩy mạnh việc nêu gương trong cán bộ, đảng viên.

Trước hết, để cán bộ, đảng viên nêu gương hiệu quả trong mọi mặt công tác thì các cấp ủy cơ quan, đơn vị cần chuẩn hóa, lượng hóa các quy định phương pháp, tác phong của cán bộ, đảng viên trong công tác, tiếp xúc, làm việc với cá nhân, tổ chức... Bên cạnh việc công khai các nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là công khai về định mức, thời gian, kinh phí thực hiện để quần chúng nhân dân giám sát chặt chẽ.

Đồng thời, tổ chức tốt hơn nữa việc phê bình và tự phê bình trong cấp ủy, chi bộ theo định kỳ và đột xuất. Lâu nay, việc này có nơi có lúc chưa hiệu quả vì không lượng hóa, không bám sát vào công việc cụ thể mà cán bộ, đảng viên được giao phụ trách, dẫn đến đánh giá chung chung, “dĩ hòa vi quý”, sợ mất lòng. Hậu quả là, tình trạng tổ chức phê bình kiểm điểm hình thức, nửa vời cứ tái đi diễn lại nhưng hiệu quả công tác của cá nhân và tập thể thì bình bình, thậm chí có lúc “giậm chân tại chỗ”.

Để khuyến khích tinh thần nêu gương, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, cũng cần kịp thời phát hiện, biểu dương những cá nhân, tập thể có việc làm hữu ích. Ví dụ, ngày 16-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen 3 tập thể và 4 cá nhân huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) vì đã có cách làm hiệu quả trong chống dịch, tạo ra mô hình hay, giúp các địa phương khác tham khảo, học tập. Theo đó, khi có dịch, huyện Đông Anh đã khoanh vùng quản lý theo “3 lớp”, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa “không ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc nêu gương chỉ trở thành nếp sống, phong cách khi mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, vượt lên sự cám dỗ của lợi ích vật chất bằng tinh thần cống hiến, hy sinh. Trong đó, cá nhân mỗi đảng viên cần thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" bằng kế hoạch công tác cụ thể, có mục tiêu, tiến độ hoàn thành và sự giám sát của đồng chí, đồng nghiệp.

Nêu gương, gương mẫu là cách để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ, tránh rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; là cách thiết thực góp phần xây dựng Đảng ta luôn thực sự "là đạo đức, là văn minh" như lời Bác Hồ đã dạy.

Đức Tâm