Cỏ tự mình xanh lại

Sách - Ngày đăng : 08:05, 29/07/2021

(HNMCT) - Trần Chính là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong vòng 10 năm qua, ông đã cho xuất bản 10 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Ông đã 2 lần nhận Giải thưởng văn học Lê Quý Đôn (của tỉnh Thái Bình) và nhiều giải thưởng văn học khác. Ở tuổi xấp xỉ 80, nói như các cụ nhà ta thì ông như một thứ "gừng càng già càng cay" trong văn chương.

Tôi thực sự có cảm tình với Trần Chính qua chùm thơ đoạt giải của ông trong cuộc thi thơ của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm 2017-2018. Cuộc thi này khá thành công và chọn ra được nhiều tác phẩm, tác giả có ít nhiều đóng góp cho làng thơ Việt Nam đương đại. Những bài thơ “Lời hoa”, “Em như vầng trăng khuyết”, “Nợ”, “Hỏi Tễu”, “Trước đền thờ bà Phi Yến” mang một hơi hướm khác lạ. Trong chùm thơ này, có đến quá nửa là thơ lục bát. Có vẻ như “tạng” thơ của Trần Chính rất hợp điệu tâm hồn của thể thơ truyền thống trên sáu dưới tám này. Và đó cũng là thách đố không chỉ riêng với Trần Chính. Bởi vì loại thơ này rất dễ xóa nhòa cá tính của người cầm bút và rất dễ bị bó trong cách thể hiện cũng như cảm xúc của người viết khi phải trượt trên đường ray ngặt nghèo của luật bằng trắc và vần điệu. Bởi ở thể loại thơ này, trước Trần Chính, đã có không ít nhà thơ  thành danh và để lại một sự nghiệp đáng kể.

“Nỗi buồn đổ xuống bóng mình/ Nợ em suốt một hành trình dài lâu” ("Nợ"); “Sàn đời một mớ cũ mèm/ Còn mượn sàn diễn mà đem ra đùa” ("Tễu"); “Biết bao nhiêu cái can qua/ Những giằng cùng xé mà ra điêu tàn” ("Trước đền thờ bà Phi Yến")... là minh chứng. Đó là những cặp lục bát nhuần nhuyễn, đầy băn khoăn, trăn trở, thậm chí đầy đau đớn, xót xa và chúng được viết thật khác theo kiểu của Trần Chính. Ông đã chọn được cách thể hiện của riêng mình và nhiều lúc được là mình khi làm thơ lục bát.

Đến “Giọt trăng nghiêng”, thơ lục bát của Trần Chính như đằm hơn, sâu lắng hơn, thân phận hơn, nhiều tâm sự hơn và chỉ ra nhiều cái nhẽ theo nghĩa triết lý của cuộc đời hơn. Ông như hướng vào đời mình, vào mình, vào bên trong của bản thể mà viết: “Thế mà mình vẫn ngồi đây/ Ngồi ăn mà ngẫm, trời xoay chuyển vần/ Buồn vui sướng khổ thăng trầm/ Phận đời khôn dại có ngần ấy thôi” ("Một mình với một mâm cơm"), “Ngất ngưởng/ trót đã kề môi/ Thì nâng ly/ cạn/ đầy/ vơi/ kiếp người ("Đầy vơi kiếp người") và “Bao giờ kết thúc cuộc chơi/ Người thành tro bụi mới thôi khát thèm” ("Cuộc chơi").

Cái người đúc rút ra được “phận đời khôn dại có ngần ấy thôi”, cái người dám nâng ly để cạn cả “đầy vơi kiếp người” và nhận ra “người thành tro bụi mới thôi khát thèm”, chắc hẳn phải là người hiểu người và hiểu mình đến cốt lõi. Và chỉ bằng 6 câu thơ thôi mà chỉ ra được quy luật của đời sống, bản chất của đời sống, cái khát khao và cái hữu hạn của đời người, thì Trần Chính quả là người có tài đúc rút, bao quát một cách thấu đáo.

“Để ta còn mãi là ta”, Trần Chính đã hóa thân để “Ta gặp ta ở giữa nhà mình”. Để “Ta còn mãi là ta”, Trần Chính đã nhìn ra mình, nhận ra mình qua quan sát, nhìn thấy, cảm thấy từ những hiện tượng bình thường mà người đời dễ bỏ qua mà hướng về bản chất. “Để ta còn mãi là ta” là một việc khó. Để “Ta gặp ta ở giữa nhà mình” còn là một việc khó hơn nhiều. Vì đấy là hành trình “trở về mình”, “trở về nhà” và “trở về đạo”.

“Giọt trăng nghiêng” có nhiều bài thơ có ý có tứ: “Cái nhìn”, “Hạt mưa”, “Đá”, “Rửa bát”... Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến chùm thơ viết về cỏ hoặc liên quan đến cỏ của Trần Chính. Đó là “Cỏ tự than”, “Nước mắt cỏ” và “Không đề”. Lâu nay, đã có nhiều người viết thơ về cỏ hoặc có liên quan đến cỏ. Nhưng đáng mừng, cỏ trong thơ của Trần Chính, vẫn khác.

Phải là người có quan niệm “không phân biệt” và có cái tâm “không phân biệt” đến mức nào, Trần Chính mới hạ bút: “Chẳng hề vướng bận hèn - sang/ Cỏ vui phận cỏ có màng chi đâu!” ("Cỏ tự than"). Phải thấu hiểu cỏ đến mức nào, Trần Chính mới hạ bút: “Nước mắt cỏ tự rơi/ Ướt đầm cả thân cỏ/ Đau đớn tận cội rễ/ Đến tận cùng rụng rơi” ("Nước mắt cỏ"). Và cuối cùng, cái sức sống mãnh liệt của cỏ như nâng vực Trần Chính, giúp Trần Chính yêu thêm và tin thêm qua “Không đề”. Đấy cũng là tứ thơ đáng nhớ và rất ấn tượng trong “Giọt trăng nghiêng”: “Lá vàng đi như tiếc/ Đâu biết đến ngàn sau/ Nắng quằn quại trên đầu/ Cỏ tự mình xanh lại”.

Có thể nói không quá rằng trong “Giọt trăng nghiêng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), nhà thơ Trần Chính đã để lại dấu ấn đáng kể qua chùm thơ này, trong đó có câu thơ ấn tượng: “Cỏ tự mình xanh lại”.

Đặng Huy Giang