Chủ động gỡ khó khăn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 30/07/2021

(HNM) - Năm 2021, cả nước phấn đấu tuyển sinh 2,3 triệu người tham gia học nghề. Để đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực, chủ động vào cuộc từ rất sớm, đồng thời triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp… Song, trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới chỉ tuyển sinh được 645.000 người tham gia học nghề, đạt 27,2% kế hoạch năm. Tại Hà Nội, kết quả cũng không khả quan khi mới tuyển sinh được gần 54.000 người học nghề, đạt khoảng 24% so với kế hoạch.

Sở dĩ công tác tuyển sinh nghề nghiệp chưa đạt như kỳ vọng là do từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tiếp cận với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để thực hiện việc tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, trong khi hình thức trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu đến đời sống kinh tế - xã hội, nên nhiều người đã phải tạm gác việc học nghề để mưu sinh.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Do vậy, để đạt được mục tiêu tuyển sinh nghề nghiệp năm 2021 đã đề ra, cùng với việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1486/LĐTBXH-TCGDNN ngày 24-5-2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Trong đó, nhiệm vụ của các ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021 thông qua việc đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; các hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông; chú trọng phương thức trực tuyến. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh trực tiếp ở những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được phép tổ chức. Quá trình thực hiện phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Cùng với tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội, cần huy động sự đồng hành, tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động; có chính sách ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu học nghề.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong tư vấn, tuyển sinh nghề nghiệp và đào tạo nghề; nghiên cứu, lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu người học cũng như thị trường lao động, phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động hiện nay. Trong quá trình đào tạo cần đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng giúp học viên trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để có việc làm ngay sau khi ra trường… 

Tích cực, chủ động vào cuộc, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đa dạng các hình thức tuyển sinh và đào tạo, tin rằng công tác tuyển sinh nghề nghiệp năm 2021 trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Hoàng Hà